Cởi bỏ tâm lý sợ sai cho cán bộ

11:40, 15/10/2021

Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Cụ thể, trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn.

Điểm đáng chú ý là khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt; chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp.

Trường hợp thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây là văn bản có ý nghĩa hết sức thiết thực, góp phần giải quyết một trong những vấn đề nan giải trong nhiều cơ quan, đơn vị là hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; rụt rè, sợ sai mà không dám quyết.

Có những việc đáng ra chỉ nên giải quyết ở cơ sở nhưng vì không dám quyết mà “đá bóng” lên cấp trên, thậm chí lên tận Trung ương. Điều này khiến không ít công việc bị đình trệ hoặc bỏ lỡ cơi hội phát triển.

Vấn đề đặt ra là, thế nào được coi là sự đột phá, dám nghĩ, dám làm của cán bộ? Bởi thực tế giữa đột phá và sai lầm, giữa đúng và sai rất mong manh, không dễ để phân biệt rạch ròi.

Trước hết cần phải nhấn mạnh, cách làm đột phá phải tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn; mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.

Dám nghĩ là dám tư duy một cách độc lập, trên cơ sở tri thức khoa học, các dự liệu và chứng cứ khách quan. Dám làm là dám hành động để hiện thực hóa điều mà mình thấy đúng, thấy cần thiết cho nhân dân, cho đất nước.

Nhiều người dám nghĩ, nhưng chưa chắc đã dám làm hoặc “làm liều” khi chưa nghĩ thấu đáo. Do vậy, điều quan trọng là phải vừa dám nghĩ vừa dám làm.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan phân tích: Trên thực tế không phải không có những người núp bóng "năng động, sáng tạo" để mưu cầu lợi ích riêng. Ngăn ngừa tình trạng này là điều không dễ và nhất thiết phải có con mắt tinh tường của các cơ quan, cá nhân quản lý. Điều quan trọng hơn là hệ thống văn bản pháp quy chặt chẽ và sự giám sát của người dân.

Còn TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thì nhấn mạnh: Kết luận của Bộ Chính trị quy định rõ, những đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện. Cấp ủy, lãnh đạo cơ quan phải giám sát quá trình thực hiện thí điểm các đề xuất đổi mới, sáng tạo để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, phát hiện sớm và kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh sai sót, vi phạm.

Có thể nói, kết luận của Bộ Chính trị đã góp phần cởi bỏ tâm lý sợ sai cho đội ngũ cán bộ. Để chủ trương này phát huy hiệu quả thực tế cần sớm xây dựng cơ chế cụ thể hoặc luật hóa bằng một văn bản quy phạm pháp luật về đánh giá và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.