Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV: Khen thưởng cần quan tâm hơn đến người lao động trực tiếp

14:26, 28/10/2021

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, sáng 28-10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận, đã có hơn 30 ý kiến phát biểu và nhiều ý kiến tham gia tranh luận. Trong đó, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, đề cập đó là cần cụ thể hóa vào luật để ngày càng có nhiều nông dân, công nhân, người lao động trực tiếp được nhận các hình thức khen thưởng từ địa phương đến trung ương; thủ tục hồ sơ đề nghị khen thưởng cần bớt rườm rà, hình thức; chú trọng khen nhiều hơn đến người dân, cán bộ công tác tại các vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn…

Phát biểu thảo luận nội dung này, đại biểu Đoàn Thị Hảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thái nguyên đề cập nội dung liên quan đến hình thức khen thưởng “Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang” quy định tại Điều 55 của dự án Luật. Đại biểu nêu rõ:

Ngày 15/7/1950, đơn vị thanh niên xung phong (TNXP) đầu tiên được thành lập tại đồi Gò Thờ, Núi Hồng, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, gồm 225 đội viên, với mục đích phục vụ công cuộc kiến quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội tương lai theo lời kêu gọi của Bác Hồ.

Kể từ khi thành lập, lực lượng TNXP luôn phát huy vai trò, trách nhiệm và sứ mệnh của lực lượng đặc biệt, với truyền thống “Phục vụ quên mình, anh dũng xung phong, lập công xuất sắc”, TNXP đã cùng với bộ đội chủ lực làm nên những chiến thắng lịch sử của dân tộc. 

Tại tỉnh Thái Nguyên, nơi thành lập lực lượng TNXP Việt Nam, đêm 24/12/1972, tại Ga Lưu Xá, phường Gia Sàng, T.P Thái Nguyên, 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, nhu yếu phẩm để chi viện cho chiến trường miền Nam. Đây là sự hy sinh, mất mát lớn nhất của lực lượng TNXP Việt Nam vào cùng một thời điểm.

Ghi nhận những chiến công hào hùng của lực lượng TNXP, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, đã tặng TNXP Việt Nam Bức trướng với nội dung: “Tôi luôn coi TNXP như Bộ đội, vì trong phẩm chất của TNXP có phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ”. Theo Báo cáo của Bộ Nội vụ, đến nay đã xác nhận được trên 670.000 TNXP. Trong đó, tỉnh Thái Nguyên có 5.537 TNXP, số cựu TNXP hiện còn sống là 3.397 người.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, hiện cả nước còn khoảnqg 588.000 TNXP chưa được khen thưởng thành tích kháng chiến. Đồng thời cũng chưa có quy định hình thức khen thưởng cho lực lượng này trong Luật Thi đua khen thưởng hiện hành. 

Kể từ khi lực lượng TNXP được thành lập đến nay đã 71 năm, để tôn vinh những đóng góp, hy sinh to lớn của lực lượng này trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; việc bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” là hoàn toàn phù hợp với truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, quan trọng hơn, đó là giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, động viên khích lệ lực lượng TNXP thời kỳ mới tiếp tục cống hiến, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Ngay sau các ý kiến thảo luận và tranh luận về các nội dung của dự thảo luật, Bộ trưởng Bộ Nội vụ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).