Ngày làm việc thứ 4 của Quốc hội: Nhiều ý kiến đóng góp vào dự án Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Điện ảnh

13:08, 23/10/2021

Tiếp tục chương trình làm việc của Quốc hội khóa XV, tại Kỳ họp thứ 2, trong buổi sáng ngày làm việc thứ 4 (23-10), các đại biểu đã nghe 2 tờ trình về: Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (TĐKT- sửa đổi) và 2 báo cáo thẩm tra đối với 2 dự án luật này. Tiếp đó, các  đại biểu tiến hành thảo luận tại tổ.

Các đại biểu Quốc hội tổ Thái Nguyên đã đóng góp nhiều ý kiến xung quanh 2 dự án luật sửa đổi này. Các đại biểu đồng tình, thống nhất cao với việc cần thiết phải sửa đổi đối với 2 luật này để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung:
 
Đối với Luật TĐKT (sửa 94/98 điều), các đại biểu cho rằng: Luật cần bao quát hết các đối tượng khen thưởng gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Đặc biệt, cần quan tâm, ghi nhận đóng góp của lực lượng thanh niên xung phong (TNXP). Đây là lực lượng được thành lập chỉ sau Quân đội nhân dân Việt Nam hơn 5 năm (thành lập năm 1950) và phát tích thành lập tại đồi Gò Thờ, Núi Hồng, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Kể từ khi thành lập, lực lượng này luôn phát huy vai trò, trách nhiệm, sứ mệnh qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc... và đã có nhiều anh chị hy sinh.
 
Hiện nay, lực lượng này không còn nhiều, do đó, đề nghị sớm khen thưởng đối với các cá nhân và tập thể. Bổ sung TNXP vào đối tượng được xem xét tặng “Huân chương Bảo vệ Tổ quốc” hạng Nhất tại Điều 42 của dự thảo Luật. Về khen thưởng ĐBQH có đóng góp, đề nghị sửa đổi thành khen thưởng đại biểu dân cử các cấp. Đồng thời, bổ sung chế tài xử lý vi phạm đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân có hành gây cản trở, ảnh hưởng đến việc thực hiện công tác TĐKT…
 
Đối với Luật Điện ảnh, các đại biểu nhất trí cho rằng, với xu thế hội nhập như hiện nay, điện ảnh cần được nhìn nhận như một ngành công nghiệp văn hóa, chứ không chỉ là một loại hình nghệ thuật nên cần có hành lang pháp lý thuận lợi, có chính sách đột phá với tầm nhìn dài hạn. Trong dự thảo Luật mới chỉ quy định chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với phim do Nhà nước đặt hàng mà chưa có ưu đãi, cơ chế hồ trợ đối với các nhà sản xuất bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước. Do đó cần quy định nội dung này vào dự thảo Luật. 
 
Về cấp giấy phép phân loại phim, dự thảo Luật quy định UBND cấp tỉnh cấp giấy phép phân loại đối với phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình do cơ sở điện ảnh của địa phương nhập khẩu, tuy nhiên, theo các đại biểu, thẩm quyền này nên giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để đảm bảo tính thực tiễn, nhất là đối với các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa; cần thiết bổ sung thêm một số từ ngữ thể hiện hành vi vi phạm như “truyền bá”, “làm sai lệch”, “chiếm đoạt, lấy cắp tác phẩm điện ảnh của chủ sở hữu” vào Điều 10 quy định về những hành vi và nội dung bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh…
 
Buổi chiều, các đại biểu tiếp tục nghe các báo cáo về lĩnh vực tư pháp và thảo luận trực tuyến về các nội dung này.