Ngày 11-11, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV tiếp tục thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn. Trong 1 giờ đầu tiên, các đại biểu nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn những câu hỏi còn lại đối với nhóm vấn đề lao động, thương binh và xã hội. Tiếp đó là phần chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm lĩnh vực giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) và kế hoạch - đầu tư, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Trong lĩnh vực GD-ĐT, các đại biểu tập trung chất vấn vào các vấn đề: Việc bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản GD-ĐT trong điều kiện dịch COVID-19. Công tác dạy và học trực tuyến bảo đảm hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền; việc giảm tải chương trình học cho học sinh; việc thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; công tác đảm bảo an toàn trường học, y tế học đường để học sinh, sinh viên có thể trở lại trường học; phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh.
Tham gia vào nội dung này, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên có 2 ý kiến chất vấn của đại biểu Đoàn Thị Hảo và Nguyễn Công Hoàng về các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề: Thiếu hụt giáo viên ở các địa phương; tình trạng mất cân đối về đầu vào và số lượng các trường đại học; tỷ lệ trẻ em vùng dân tộc thiểu số đến lớp ở các bậc học còn thấp; học sinh thờ ơ với môn học lịch sử và điểm thi môn học này còn thấp so với các môn học khác…
Đại biểu Nguyễn Công Hoàng chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Ảnh Lâm Hiển
Cũng tại phiên chất vấn hôm nay, đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Đoàn Thái Nguyên cũng đã tranh luận với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về vấn đề học thêm, dạy thêm. Đại biểu đưa ra 4 vấn đề đề nghị Bộ trưởng quan tâm thêm, đó là: (1) Cần thiết giảm tải chương trình sách giáo khoa, vì lượng kiến thức học sinh phải tiếp thu rất nhiều, trong đó có nhiều nội dung chưa thực sự phù hợp. (2) Đổi mới phương pháp dạy học, chuyển từ phương pháp dạy theo hình thức dồn kín, dồn ép kiến thức sang phương pháp dạy tư duy. (3) Đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương pháp thi cử. Tăng đề mở để tăng cường nhận thức đổi mới, sáng tạo của người thi, hơn là việc dạy theo mẫu và áp dụng thi theo mẫu. (4) Vấn đề tổ chức hệ thống trường học.
Tôi đồng ý các trường chuyên là một cơ sở để bồi dưỡng nhân tài, tuy nhiên cần phải thay đổi lại nội dung, phương pháp trong chương trình dạy và học ở các trường này để tạo được môi trường hài hòa, phù hợp để các em học tập tốt – đại biểu Nguyễn Lâm Thành kiến nghị.
Các nội dung chất vấn và tranh luận của các đại biểu đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trả lời, làm rõ.
Đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kế hoạch - đầu tư, các đại biểu tập trung chất vấn về: Giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong tình hình mới; các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; công tác chuẩn bị đầu tư, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2021; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và các dự án trọng điểm quốc gia; tiến độ thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển…