Chiều 30-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ủy ban. Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với 21 điểm cầu các bộ, ngành, cơ quan và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Dự phiên họp tại đầu cầu Chính phủ có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Tại điểm cầu Thái Nguyên do đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Để bảo đảm thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định kiện toàn, đổi tên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử thành Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.
Tại Phiên họp thứ nhất, Ủy ban bàn về nâng cao nhận thức, thống nhất hành động; đề ra kế hoạch, phương pháp, nội dung hoạt động khoa học, hiệu quả, phù hợp. Trước mắt là phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo an ninh - quốc phòng; nâng cao vị thế, vai trò, tiềm lực của Việt Nam trên trường quốc tế...
Tại Phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận về kế hoạch chuyển đổi số những năm tới. Theo đó, Ủy ban đặt mục tiêu từ năm 2022 đến năm 2025 triển khai khoảng 53 chỉ tiêu hướng tới Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, đồng chí Trịnh Việt Hùng thông tin, sau gần 1 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Tỉnh ủy về chuyển đổi số, Thái Nguyên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Thái Nguyên hiện xếp thứ 12/63 tỉnh, thành về chuyển đổi số. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của tỉnh hiện còn nhiều khó khăn do một số nguyên nhân như: Cán bộ, người dân và doanh nghiệp còn hạn chế về nhận thức và năng lực chuyển đổi số; hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về chuyển đổi số chưa cụ thể; kinh phí bố trí cho triển khai chuyển đổi số còn hạn chế…
Phát biểu tại Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số có ý nghĩa rất quan trọng trong triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về chuyển đổi số. Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số tại Quyết định số 942/QĐ-TTg, ngày 15/6/2021 đã xác định phát triển Chính phủ số một cách tổng thể, toàn diện; phát huy kết quả đạt được, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, có giải pháp, cách làm đột phá, mang tính khác biệt để hình thành Chính phủ số vào năm 2025.
Chính phủ luôn xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, vừa nâng cao tính công khai, minh bạch, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng đề nghị, các thành viên Ủy ban Quốc gia, Bộ trưởng, Trưởng ngành chỉ ra những kết quả đạt được; những tồn tại, hạn chế và những bài học kinh nghiệm. Từ đó, đề ra kế hoạch, giải pháp thiết thực nhất để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.