Đó là 1 trong 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế - xã hội (KT-XH) và môi trường được Chính phủ đề ra trong năm 2022, được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo trong buổi sáng ngày làm việc đầu tiên (ngày 8-11) của đợt 2, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. Trong đợt 2, Quốc hội họp theo hình thức trực tiếp tại Nhà Quốc hội từ ngày 8 đến 13-11.
Trong ngày làm việc đầu tiên, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19; tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).
Năm 2022 được đánh giá có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen. Do vậy, Chính phủ đề ra 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực KT-XH, môi trường. Trong đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6-6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP khoảng 4%... Để đạt được các mục tiêu này, Chính phủ đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Tham gia thảo luận tại Hội trường về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, đại biểu Đoàn Thị Hảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đề cập đến vấn đề phát triển KT-XH vùng trung du và miền núi phía Bắc. Đại biểu nêu rõ: Vùng trung du và miền núi phía Bắc có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về KT-XH, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Do đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tăng mức hỗ trợ của ngân sách Nhà nước cho khu vực này, đa dạng hóa nguồn vốn huy động, kể cả nguồn vốn vay nước ngoài (Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đã có chủ trương này) để tập trung cho phát triển kinh tế vùng nhanh, bền vững; quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vùng, trong đó cần ưu tiên hàng đầu cho các công trình có tính lan tỏa, kết nối mạng giao thông khu vực với các trung tâm kinh tế lớn, các vùng kinh tế trọng điểm…
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, các thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trong 2,5 ngày tiếp theo, Quốc hội sẽ tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, với sự tham gia trả lời chất vấn của bộ trưởng 4 bộ: Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo.