Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 9-11, Quốc hội tiếp tục dành ngày thứ 2 để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Trong ngày làm việc này, tại phiên thảo luận có 60 ý kiến phát biểu, 2 ý kiến tranh luận của đại biểu Quốc hội, tập trung vào nhiều nội dung. Trong đó, đại biểu Hoàng Anh Công, Đoàn Thái Nguyên (Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội) phát biểu về nội dung liên quan đến một loại “dịch bệnh” xuất hiện từ lâu và hiện đang âm thầm lây lan trong đội ngũ cán bộ các cấp, trở thành nguy cơ cho sự phát triển của đất nước: Đó là “căn bệnh” sợ trách nhiệm.
Đại biểu đặt vấn đề: Nguyên nhân gì mà cán bộ, kể cả những cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, đứng đầu lại sợ trách nhiệm? Có những người khi thực hiện cũng căn cứ đúng vào các quy định của pháp luật, không tư lợi gì, nhưng vẫn luôn sợ và quyết định không thực hiện để an toàn cho mình? Nhất là trong các đợt phòng chống dịch COVID-19 vừa qua. Tình trạng nhiều địa phương có tâm lý ngại mua sắm máy móc, thiết bị, vật tư y tế do sợ bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính, hình sự. Nỗi sợ trách nhiệm này còn biểu hiện trong điều hành chống dịch như việc nhiều địa phương mặt dù Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP nhưng vẫn áp dụng biện pháp “ngăn sông cấm chợ” nhằm tránh phát sinh F0 vì sợ nếu để dịch bùng phát sẽ ảnh hưởng đến công tác, có thể bị phê bình, kỷ luật…
Có thể thấy, “căn bệnh” này do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, trong đó, việc còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập trong quy định của pháp luật đã khiến cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ có tâm trạng lo lắng, né tránh, không dám quyết định….
Để kịp thời sửa chữa, khắc phục những hạn chế nêu trên, ngày 22-9-2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”. Tinh thần này cũng được khẳng định tại Quy định số 22QĐ/TW ngày 28-7-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.
Đây là chủ trương mới, hướng tới khuyến khích sự sáng tạo và năng động của cán bộ, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Tuy nhiên, nếu không sớm thể chế hóa quy định này sẽ dẫn đến việc xử lý tùy tiện; không bảo vệ được người dám nghĩ, dám làm, mà có thể còn dẫn đến họ bị trù dập, bị oan sai và tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực thanh tra, điều tra, kiểm soát và xét xử.
Do đó, đại biểu Hoàng Anh Công kiến nghị: (1) Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đề xuất với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo, coi đây là nhiệm vụ quan trọng cần sớm đưa vào chương trình xây dựng pháp luật. (2) Sớm nghiên cứu, sửa đổi các quy định pháp luật còn chung chung, có thể dẫn đến tùy tiện trong áp dụng trên thực tế, nhất là các quy định về hình sự và xử lý hành chính, kỷ luật. (3) Trong giai đoạn trước mắt cần giao cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, rà soát các vụ việc đã và đang xem xét xử lý có liên quan đến nội dung nêu trên để có biện pháp tham mưu cho cấp có thẩm quyền trong xem xét, áp dụng quy định này trên thực tế nhằm củng cố lòng tin, tránh làm oan sai cho cán bộ công chức phụng sự vì sự nghiệp chung của đất nước.
Kết thúc nội dung thảo luận, Bộ trưởng các Bộ: Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Theo chương trình, ngày mai (10-11), Quốc hội tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ về 2 nhóm vấn đề: Y tế và lao động, thương binh và xã hội.