Văn hóa soi đường cho quốc dân đi

09:38, 23/11/2021

Đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946), ngày 24/11/2021, tại Thủ đô Hà Nội sẽ diễn Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ ba. Điều này càng khẳng định Đảng ta luôn coi văn hóa là động lực nội sinh để phát triển đất nước, hướng tới mục tiêu phồn vinh - hạnh phúc…  

Trước khi giành được chính quyền, Đảng ta đã hết sức coi trọng văn hóa. Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 đã chỉ rõ 3 nguyên tắc cơ bản của văn hóa là: Dân tộc, đại chúng và khoa học. Trong lần đầu tiên Đảng nêu Cương lĩnh văn hóa cũng chỉ rõ: Nội dung, tính chất, tổ chức, định hướng phát triển của một cuộc cách mạng văn hóa chỉ có thể gắn với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và tương lai của nền văn hóa ấy sau khi cách mạng đã thành công.

Và, ngay sau khi cách mạng thành công, Đảng ta đã tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội vào ngày 24/11/1946. Sự kiện này được xem như Hội nghị Diên Hồng về văn hóa. Tại đây, 200 nhà hoạt động văn hóa cùng bàn luận những vấn đề cấp thiết liên quan tới văn hóa nước nhà. Những thông điệp quan trọng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra trong diễn văn khai mạc là: “Chính phủ mong muốn nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở. Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”…

Hai năm sau, tại chiến khu Việt Bắc (từ ngày 16 đến 20/7/1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo tổ chức Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ hai. Trong những lời gửi đến các đại biểu dự Hội nghị, Bác chỉ rõ: “Từ ngày chính quyền dân chủ thành lập đến nay, các nhà văn hóa ta đã cố gắng và đã có thành tích. Song, từ nay trở đi chúng ta cần phải xây dựng một nền văn hóa kháng chiến, kiến quốc của toàn dân… Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ mà còn để lưu truyền cả lịch sử oanh liệt cho hậu thế”.

Nội dung cơ bản và tối quan trọng trình bày tại Hội nghị lần thứ hai này là bản báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày. Cho đến nay, trải qua hơn 70 năm, báo cáo gồm 7 nội dung này còn nguyên vẹn tính thực tiễn và lý luận: Văn hóa và xã hội; Lập trường Văn hóa Mác xít; Văn hóa Việt Nam xưa và nay; Tính chất và nhiệm vụ Văn hóa dân chủ mới Việt Nam; Mặt trận Văn hóa thống nhất trong mặt trận Dân tộc thống nhất; Văn hóa Việt Nam trong mặt trận Văn hóa dân chủ thế giới; Mấy vấn đề cụ thể trong văn học.

Có 6 nhiệm vụ chủ yếu của văn hóa gồm: Xác định mối quan hệ giữa Văn hóa và cách mạng giải phóng dân tộc; Xây dựng nền văn hóa dân chủ mới Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học, đại chúng, khẩu hiệu thiết thực là dân tộc, dân chủ; Tích cực bài trừ nạn mù chữ, mở đại học, trung học, cải cách việc học theo tinh thần mới, bài trừ cách dạy học nhồi sọ; Giáo dục lại nhân dân, cổ động thực hành đời sống mới; Phát triển cái hay trong văn hóa dân tộc, học cái hay, cái tốt của văn hóa thế giới; Hình thành đội ngũ trí thức mới cho nước nhà…

Hội nghị cũng chỉ ra “Hồng tâm” của thành công là: Thái độ của trí thức, văn nghệ sĩ mới phải: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, không thoả hiệp với tư tưởng và văn hóa phản động, không trung lập, không giữ thái độ bàng quan; Yêu khoa học, lấy khoa học là kim chỉ nam cho hành động, biết và làm đi đôi, lý luận và thực tiễn kết hợp; Một lòng, một dạ phục vụ nhân dân… Tổng Bí thư Trường Chinh phát biểu: “Đó là thái độ chân chính của các chiến sĩ văn hóa mới chúng ta và cũng là bí quyết thành công của chúng ta”…

Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, lần thứ hai, cả nước đã tích cực thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa, làm nên các kỳ tích, ghi vào lịch sử những trang chói lọi mới. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa tiếp tục được phát triển theo thực tiễn cách mạng. Người cho rằng: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”; “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có 4 vấn đề cùng phải chú ý đến, coi trọng như nhau: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”.

Đảng ta luôn coi trọng văn hóa, trong 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới vừa qua cũng vậy. Đảng có nhiều nghị quyết về văn hóa, văn nghệ. Nổi bật là Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII (năm 1998) về Xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết 33 khóa XI (năm 2014) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam…

Văn hóa luôn song hành và đóng góp vào phát triển. Thực tiễn 70 năm qua cũng đã chứng minh điều này. Và hôm nay, chúng ta cùng kỳ vọng vào những quyết định, chủ trương phát triển văn hóa trong thời kỳ hiện đại tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ ba được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội ngày 24/11/2021.