Đánh giá mới nhất của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 cho thấy, sau gần 2 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, công tác kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội đạt nhiều kết quả.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra (tỷ lệ các ca nhiễm COVID chưa giảm, tình trạng lơ là, mất cảnh giác ở nhiều nơi còn phổ biến…), cần phải có những giải pháp đồng bộ, thích hợp, quyết liệt hơn nữa.
Trong cuộc họp ngày 10-12-2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ rõ 5 nguyên nhân cơ bản khiến công tác phòng, chống COVID-19 ở một số địa phương chưa như mong muốn. Trong đó, ý thức người dân còn chưa cao, vẫn còn quan niệm thiếu chuẩn cho rằng đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin là có thể đi lại thoải mái; tiến độ tiêm vắc xin ở một số nơi còn chậm; tuyến y tế cơ sở và y tế dự phòng còn chưa thật sự hiệu quả…
Người đứng đầu Chính phủ cũng đưa ra một số dự báo tình hình COVID-19 trong thời gian tới đó là: Diễn biến dịch bệnh thế giới và trong nước vẫn tiếp tục phức tạp, khó khăn thách thức trong phát triển kinh tế ở tầm vĩ mô vẫn tiềm ẩn; an sinh xã hội vẫn có những trở ngại, cần được quan tâm nhiều hơn; dịch vụ việc làm, thị trường lao động còn nhiều hạn chế; không loại trừ chủng mới tiếp tục xuất hiện, gây khó khăn, phức tạp trong kiểm soát, điều trị…
Trước những vấn đề đặt ra đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thời gian sớm nhất cả nước phải đạt được một số mục tiêu cơ bản sau: Các ngành, địa phương phải nỗ lực kiểm soát rủi ro, phấn đấu giảm tối đa số ca mắc và ca tử vong do COVID-19, hạn chế thấp nhất các ca bệnh trở nặng. Phấn đấu tiêm vắc xin phòng COVID-19 bao phủ với đối tượng từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành chậm nhất ngày 31-12-2021; khẩn trương tiêm mũi 3 tất cả các đối tượng, hoàn thành sớm nhất có thể (cố gắng xong trong Quý I năm 2022); tiêm vắc xin cho đối tượng từ 12 đến 18 tuổi cố gắng xong trước 31-1-2022; với đối tượng từ 5 đến 12 tuổi sẽ tham khảo ý kiến các chuyên gia, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, các cấp có thẩm quyền và nếu được sẽ đưa vào mục tiêu tiêm chủng trong năm sau.
Thủ tướng thống nhất các giải pháp cần triển khai đồng bộ, thích hợp và quyết liệt trong tời gian tới, đó là: Cần nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống dịch, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; lấy người dân là chủ thể, trung tâm trong việc đảm bảo an toàn trước dịch bệnh.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tế và phải kiên trì, nhất quán thực hiện nghiêm trong toàn quốc, yêu cầu không địa phương nào làm trái, nếu có giải pháp linh hoạt mới cần báo cáo kịp thời Ban Chỉ đạo Quốc gia.
Nghiêm túc thực hiện các biện pháp kết hợp “5K + vắc xin, thuốc + biện pháp điều trị phù hợp + công nghệ + đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác”.
Triển khai thần tốc hơn nữa việc tiêm vắc xin phòng, chống COVID-19 trên cơ sở khoa học, an toàn, hiệu quả, khắc phục bằng được sự cố vắc xin; tổ chức “tiêm vét” vắc xin theo tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, không để thiếu vắc xin và không để ai (trong đối tượng quy định) không được tiêm.
Bộ Y tế cần khẩn trương triển khai các thủ tục để có thể sản xuất vắc xin trong nước trên cơ sở đảm bảo điều kiện, an toàn. Các địa phương phải tiến hành rà soát đối tượng đảm bảo an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu việc làm.
Chính quyền địa phương phải hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để đảm bảo vừa chống dịch hiệu quả vừa ổn định sản xuất, kinh doanh.
Tập trung công tác tuyên truyền, chủ động đi trước một bước, không để khủng hoảng truyền thông…
Thủ tướng cũng yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chống tiêu cực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.