Ngày 3-12, tại tỉnh Lai Châu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị trực tuyến với các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc về phát triển kinh tế dưới tán rừng. Dự tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Vùng trung du và miền núi phía Bắc có trên 5,7 triệu ha rừng, chiếm 39,6% tổng diện tích rừng của cả nước, tỷ lệ che phủ đạt khoảng 52,6%. Năm 2020, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 7,9 triệu m3, chiếm 38,5% tổng sản lượng gỗ khai thác của toàn quốc. Hiện nay, tại một số địa phương đã hình thành các vùng chuyên canh một số loại cây lâm sản ngoài gỗ để cung cấp nguyên liệu cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Đối với Thái Nguyên, tỉnh hiện có trên 178.800ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp, trong đó, rừng đặc dụng 36.300ha, rừng phòng hộ 43.000ha, rừng sản xuất hơn 99.500ha. Những năm qua, bà con đã trồng nhiều loại cây dược liệu dưới tán rừng, như: Ba kích, cát sâm, xạ đen, khôi nhung… mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, đề xuất các giải pháp nhằm phát huy giá trị kinh tế dưới tán rừng giai đoạn 2021-2030, như: Cần có cơ chế, chính sách đặc thù đối với từng loại rừng; quan tâm xây dựng thương hiệu cho lâm sản; lồng ghép thực hiện phát triển kinh tế dưới tán rừng với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ quan tâm tháo gỡ những khó khăn về thể chế và có chương trình, đề án riêng để phát triển kinh tế dưới tán rừng cho vùng trung du, miền núi phía Bắc. Song hành với đó, Bộ trưởng đề nghị các địa phương huy động thêm nguồn lực, tập trung phát triển kinh tế dưới tán rừng tích hợp với du lịch sinh thái, du lịch miền núi nhằm tăng thu nhập cho bà con.