Tạo cơ hội cho cả hai tỉnh phát triển

06:19, 30/12/2021

Trải qua 25 năm tái lập, thời gian tuy chưa dài nhưng nhờ tận dụng được các cơ hội, khai thác hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh, cả hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn đều đã có sự phát triển toàn diện, rõ nét… Đó là nhận định chung của các đồng chí nguyên là lãnh đạo các tỉnh Bắc Thái, Bắc Kạn, Thái Nguyên khi trao đổi với phóng viên Báo Thái Nguyên về vấn đề này.

P.V: Thưa đồng chí, việc chia tách tỉnh Bắc Thái thành hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn cách đây tròn 25 năm có ý nghĩa như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Ngô Hai, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên:

Năm 1996, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã ra Nghị quyết phê chuẩn việc chia tách và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, trong đó có tỉnh Bắc Thái. Theo đó, từ ngày 1-1-1997, hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn được tái lập trên cơ sở chia tách tỉnh Bắc Thái, mở ra chặng đường phát triển mới cho mỗi địa phương.

Trước khi tách tỉnh, diện tích tự nhiên của Bắc Thái rộng hơn 8.000km2, địa hình phức tạp, hạ tầng giao thông thấp kém gây khó khăn không nhỏ cho công tác lãnh đạo, điều hành cũng như quản lý hành chính.

Trong khi đó, nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là khu vực các huyện phía Bắc còn hạn hẹp, hạn chế khai thác được những tiềm năng, lợi thế. Trong lịch sử, Thái Nguyên và Bắc Kạn đã được hình thành đơn vị hành chính cấp tỉnh từ rất sớm (Thái Nguyên thành lập năm 1831, Bắc Kạn thành lập năm 1900).

Sau 25 năm tái lập, cả Thái Nguyên và Bắc Kạn đều có sự phát triển khá toàn diện. Đặc biệt là Bắc Kạn đã có sự phát triển vượt bậc khi hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng đến tận xóm, xã (năm 1997, đường vào trung tâm các huyện, xã, xóm gặp vô vàn khó khăn); các trường học được xây dựng khang trang; người dân được dùng điện lưới Quốc gia... Hơn thế, từ khi tái lập tỉnh, Bắc Kạn đã có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế đồi rừng; các cây trồng thế mạnh; ngành nghề mũi nhọn của địa phương, từ đó tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Còn với Thái Nguyên, từ sau khi tái lập cũng đã có bước phát triển nhảy vọt bởi khai thác tốt thế mạnh để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... Nếu không chia tách, các địa phương sẽ khó có sự phát triển như ngày hôm nay.

P.V: Xin đồng chí cho biết trong những ngày đầy gian nan khi mới tái lập, tỉnh Bắc Kạn đã nhận được sự hỗ trợ như thế nào từ tỉnh Thái Nguyên?

Đồng chí Đặng Phúc Lường, nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Thái, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn:

Trước khi tách tỉnh Bắc Thái thành hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên, tôi giữ cương vị Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Thái. Thời điểm ấy, các thủ tục tách hai tỉnh đều do HĐND tỉnh Bắc Thái thực hiện.

Từ tháng 1-1997, tôi được điều động lên Bắc Kạn đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐND tỉnh. Khi ấy, đội ngũ cán bộ của tỉnh thiếu trầm trọng. Trung ương phải chỉ định đồng chí Hà Văn Phụng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Thái lên làm Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn; đồng chí Phan Thế Ruệ, Bí thư Thành ủy Thái Nguyên lên làm Chủ tịch UBND tỉnh. Thời điểm đó, HĐND tỉnh chỉ có 26 đại biểu nên phải bầu cử bổ sung rất nhiều.

Một góc T.P Bắc Kạn. Ảnh: Công thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn.

Về cán bộ, mỗi sở, ban, ngành điều động vài cán bộ cốt cán lên Bắc Kạn để ổn định tổ chức, sau đó đưa cán bộ cấp huyện về hoặc tuyển dụng thêm cho đủ bộ máy để hoạt động. Thời điểm đó, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn thấy ấm lòng khi “người anh em” Thái Nguyên đưa một số cán bộ, lái xe lên hỗ trợ chúng tôi khoảng 2-3 tháng đầu sau khi tách tỉnh. Khi chúng tôi tiến hành bầu cử, kiện toàn bộ máy và đi vào hoạt động khá ổn định thì đội ngũ cán bộ hỗ trợ mới rút về…

Tháng 10-2000, được nghỉ hưu, trở về sống cùng với gia đình ở Thái Nguyên nhưng tôi vẫn luôn nhớ đến những người bạn đã đồng hành cùng mình lên Bắc Kạn năm ấy. Có thể nói, những cán bộ được điều động từ Thái Nguyên lên Bắc Kạn ngày ấy đã đặt nền móng vững chắc cho tổ chức bộ máy của tỉnh Bắc Kạn ngày hôm nay. Là người con của quê hương Bắc Kạn, tôi rất cảm kích trước những ân tình đó của tỉnh Thái Nguyên…

P.V: Đồng chí đánh giá như thế nào về những thay đổi của tỉnh Thái Nguyên sau 25 năm tái lập?

Đồng chí Nguyễn Văn Vượng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh, nguyên Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên:

Kể từ khi tái lập tỉnh, Thái Nguyên đã có sự bứt phá ngoạn mục cả về kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng. Thái Nguyên luôn được đánh giá là 1 trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá cao của khu vực trung du miền núi phía Bắc. Nhất là sau khi hoàn thành tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (tháng 1-2014), Tập đoàn Samsung đã đầu tư vào Thái Nguyên. Kéo theo đó, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn, giúp cho nguồn vốn FDI đầu tư vào tỉnh tăng rất mạnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 170 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư trên 8,75 tỷ USD.

Tỉnh luôn có nhiều chính sách thu hút đầu tư, ưu tiên thu hút những doanh nghiệp sử dụng các dây chuyền sản xuất thân thiện với môi trường. Hiện nay, Thái Nguyên đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây cũng là một trong những lý do giúp nguồn thu ngân sách của tỉnh có bước nhảy vọt (năm 2021 dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, dự ước thu ngân sách của tỉnh vẫn đạt gần 17 nghìn tỷ đồng); giá trị xuất khẩu của tỉnh đạt trên 28 tỷ USD…

Sau 25 năm tái lập, kinh tế của tỉnh đã có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân ngày càng ổn định khi thu nhập bình quân đầu người đã tiến đến con số 100 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; khoảng 80% số xã đã “chạm đích” nông thôn mới.

Hôm nay, bộ mặt đô thị trên địa bàn tỉnh đã khang trang hơn trước rất nhiều. T.P Thái Nguyên đã trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh; T.X Sông Công phát triển trở thành thành phố; huyện Phổ Yên phát triển lên thị xã, trong tương lai không xa sẽ trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Rất nhiều công trình kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Đặc biệt, tỉnh đã xóa được xóm “trắng” điện lưới quốc gia từ năm 2020. Song hành với phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống của người dân, tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Từ đó tạo thành một “bức tranh” hoàn chỉnh với những gam màu tươi sáng sau 25 tái lập tỉnh…

P.V: Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí!