Sáng 14-1, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014. Dự tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên có đại diện lãnh đạo các sở: Tư pháp, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường; đại diện Hội công chứng viên tỉnh và các tổ chức hành nghề công chứng (ảnh).
Tính đến hết năm 2019, cả nước có gần 2.800 công chứng viên, 1.151 tổ chức hành nghề công chứng. Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có văn phòng công chứng theo chủ trương xã hội hóa.
Trong 5 năm thi hành Luật Công chứng, các tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng được trên 27 triệu việc; chứng thực chữ ký, giấy tờ, tài liệu, bản sao từ bản chính gần 52 triệu việc; tổng số phí công chứng thu được là gần 8,5 nghìn tỷ đồng; tổng số tiền nộp thuế và ngân sách Nhà nước gần 1,7 nghìn tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6/2021, cả nước có khoảng 75% địa phương đã hoàn thành việc xây dựng dữ liệu thông tin về công chứng…
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện Luật Công chứng vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc như: Chất lượng đội ngũ công chứng viên chưa đồng đều; hoạt động hành nghề công chứng còn có những sai sót, một bộ phận công chứng viên chưa tuân thủ đạo đức nghề nghiệp; còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, chạy theo lợi nhuận ảnh hưởng đến uy tín của nghề công chứng trong xã hội…
Tại Thái Nguyên, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định thực hiện Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành như: Cho phép thành lập Hội công chứng viên của tỉnh; quy định mức trần thù lao công chứng và mức trần chi phí chứng thực trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Luật Công chứng năm 2014. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 33 công chứng viên, hoạt động tại 18 tổ chức hành nghề công chứng. Hoạt động công chứng trên địa bàn đã đáp ứng yêu cầu của công dân và các tổ chức; đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Để tiếp tục thực hiện tốt Luật Công chứng năm 2014, lãnh đạo Bộ Tư pháp yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả các văn bản hướng dẫn; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên; tăng cường kiểm tra, thanh tra để chấn chỉnh những sai phạm và những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động công chứng…