Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng, phát động các phong trào thi đua yêu nước và coi đó là một bộ phận quan trọng trong quá trình lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Người căn dặn: “Thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày”… Thấm nhuần lời dạy của Bác, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để tổ chức phát động và triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước một cách sâu rộng, có nhiều sáng tạo, đổi mới.
Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Trong điều kiện hết sức khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, quyết tâm và nỗ lực thực hiện các giải pháp, đặc biệt là đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; nội dung thi đua bám sát nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, ngành, đơn vị, địa phương nhằm tạo động lực, khí thế thi đua sôi nổi, lôi cuốn mọi người hăng hái lao động, sản xuất, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, nhất là người đứng đầu được thể hiện rõ nét hơn, quyết liệt hơn.
Bên cạnh việc cụ thể hóa, tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động trên địa bàn, như: “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”; “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”; “Doanh nghiệp Thái Nguyên hội nhập và phát triển”; “Thái Nguyên chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”…, tỉnh cũng tổ chức phát động nhiều phong trào gắn với từng lĩnh vực.
Tiêu biểu trong lĩnh vực kinh tế là phong trào: “Thu nộp và quản lý ngân sách”; “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động ngành Ngân hàng tỉnh Thái Nguyên”; “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thái Nguyên”.
Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội có các phong trào thi đua: “Xóa đói, giảm nghèo”; “Mái ấm tình thương”; “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân một địa chỉ nhân đạo”; “Tết vì người nghèo”... gắn với việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chính sách người có công.
Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, các phong trào thi đua, cuộc vận động: “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”; “Dạy tốt, học tốt”; “Mỗi thầy cô là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”... được triển khai đồng bộ đem lại hiệu quả tích cực.
Trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới tiếp tục tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân.
Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học công nghệ, thông tin truyền thông, tỉnh đã tổ chức phong trào thi đua “Thái Nguyên đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số” nhằm tạo khí thế thi đua toàn diện, sôi nổi, thúc đẩy mỗi tập thể, cá nhân phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Xây dựng phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc.
Trung tâm Điều khiển xa, Công ty Điện lực Thái Nguyên.
Năm 2021, tỉnh Thái Nguyên là một trong số các tỉnh phát triển được nhiều nhất ứng dụng chuyển đổi số; đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố; trong đó chính quyền số là một trong những khâu đột phá, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố; mức độ sẵn sàng bảo đảm an toàn thông tin mạng thuộc nhóm 7 tỉnh xếp hạng A dẫn đầu cả nước. Người dân hưởng ứng cài đặt, sử dụng ứng dụng “C-ThaiNguyen” và các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch; triển khai nền tảng xã hội số và ứng dụng “ThaiNguyenID”.
Cùng với đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cấp, ngành của tỉnh cũng tiếp tục nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, bảo đảm đúng quy định, kịp thời động viên tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Tăng cường khen thưởng đột xuất, khen thưởng chuyên đề, điển hình là khen thưởng trong các phong trào: “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Thực hiện cải cách hành chính”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”..., khen thưởng trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học - nghệ thuật, thông tin - truyền thông. Các cơ quan, đơn vị chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, cá nhân lao động trực tiếp; phân bổ số lượng cụ thể công nhân, nông dân được đề nghị khen thưởng cấp tỉnh…
Có thể khẳng định, công tác thi đua - khen thưởng đã tạo động lực mạnh mẽ động viên toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân phát huy ý chí tự lực, tự cường, khả năng sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị.
Trong năm qua, kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển và đạt mức tăng trưởng dương, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 ước tính đạt 6,51% so với năm 2020; cao hơn bình quân chung cả nước (cả nước tăng 2,58%). Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng thu ngân sách năm 2021 đạt 18.000 tỷ đồng, bằng 147% dự toán Bộ Tài chính giao, bằng 115% dự toán HĐND tỉnh giao. GRDP bình quân đầu người ước đạt 95,1 triệu đồng (tương đương 4.121,8 USD/người/năm), bằng 97% kế hoạch, tăng 6,4 triệu đồng/người so với năm 2020…
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” được đẩy mạnh trong toàn tỉnh. Trong ảnh: Người dân xóm Phả Lý, xã Văn Hán (Đồng Hỷ) tích cực sản xuất chè vụ Đông đem lại hiệu quả cao.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Để đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, làm cho phong trào thực sự đi vào cuộc sống, là động lực cho sự đổi mới và phát triển, trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ tập trung vào một số nội dung trọng tâm trong công tác thi đua - khen thưởng:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh và tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh và của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trọng tâm là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ; phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sản phẩm OCOP của tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mở rộng thị trường, giao thương, xúc tiến và thu hút đầu tư vào Thái Nguyên. Phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Hai là, hưởng ứng có hiệu quả, thiết thực các phong trào: “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Doanh nghiệp Thái Nguyên hội nhập và phát triển”; “Thái Nguyên chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; “Thực hiện cải cách hành chính tỉnh Thái Nguyên”;... gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến. Tăng cường phối hợp giữa các cấp, ngành và cơ quan thông tin truyền thông trong phát hiện, giới thiệu, nhân rộng điển hình tiên tiến; kịp thời tuyên truyền gương “Người tốt, việc tốt”, các mô hình mới, nhân tố mới, cách làm hay, hiệu quả để nhân rộng, lan tỏa trong cộng đồng.
Bốn là, thực hiện tốt công tác khen thưởng, đảm bảo chính xác, kịp thời. Tiếp tục hướng mạnh khen thưởng về cơ sở, tập thể nhỏ, hộ gia đình, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, công tác, người lao động thuộc quản lý của cấp xã. Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, người đứng đầu, cơ quan thi đua, khen thưởng trong việc phát hiện tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng.