60 mùa hoa đào trên báo Tết

10:13, 05/02/2022

Mới đấy mà Báo Thái Nguyên - Tờ báo của Đảng bộ tỉnh, hay nói cho gần gũi hơn, tờ báo Đảng quê nhà đã 60 lần hoa đào khoe sắc trên trang bìa 1 số báo Tết. Nhanh thật - như một câu thơ đầy cảm xúc của thi sĩ Bằng Việt: “Như tuổi thơ, vừa đó đã qua rồi”… Vâng - cái khó cho người viết bài thể loại “Ôn cố tri tân” này là viết cái gì, bắt đầu từ đâu? Và, tôi chọn cách là theo dòng thời gian mà kể lại...

Nguyên Uỷ viên Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ, Trưởng Phòng Thông tin - Truyền thanh, Phó Chủ nhiệm Báo và Đài Truyền thanh tỉnh Thái Nguyên, Trưởng Ban Biên tập Báo khi mới thành lập - ông Lê Chỉnh, nay tuổi cao sức yếu nhưng tư duy còn mạch lạc, ông kể: 

- Tôi được giao nhiệm vụ phụ trách tờ báo và Đài Truyền thanh, có cảm giác hơi quá sức vì chúng tôi nào đã làm báo bao giờ. Nhiệm vụ thì Nghị quyết 29 ngày 25/8/1962 do Bí thư Tỉnh uỷ Lê Đức Chỉnh ký về thành lập Báo đã ghi rõ Báo Thái Nguyên là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Thái Nguyên, có nhiệm vụ: Tuyên truyền, giải thích đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, thể hiện trong chủ trương công tác của Đảng bộ, chính quyền và Đảng bộ các địa phương… Tuyên truyền, cổ động các tầng lớp nhân dân thi đua thực hiện nhiệm vụ…

Ngược dòng lịch sử, sự kiện 25/8/1962 là kết quả của vận động đi lên và phát triển của báo chí cách mạng, sự kế thừa có trách nhiệm với lịch sử. Về tờ Báo Thái Nguyên, trong cuộc trao đổi gần đây với chúng tôi, nhà báo lão thành Phan Quang, Nguyên Tổng thư ký Hội nhà báo Việt Nam, Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) cho rằng: Những tờ báo vùng chiến khu xưa đều có chung một dáng hình: Ngay ngắn, chắc chắn và đúng đắn. Vì qua theo dõi, ông chưa thấy nhiều lắm những sai sót hay thiếu chuẩn mực.

Nguyên Phó vụ trưởng Vụ Báo chí Ban Tuyên giáo Trung ương có ngót 20 năm theo dõi báo địa phương, nhà báo Quế Liêm đánh giá: Tờ Thái Nguyên là một tờ báo chững chạc… Còn đồng chí Hà Đăng, Nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương (Ban Tuyên giáo Trung ương) thì khẳng định: “Đối với nền báo chí cách mạng, Thái Nguyên có quyền tự hào là một trong những chiếc nôi sinh thành báo chí”.

Vâng! Lịch sử vẻ vang của báo chí cách mạng nước nhà có những trang chói lọi mà địa chỉ sinh thành lại gắn chặt với mảnh đất và con người Thái Nguyên: Trường đào tạo báo chí đầu tiên mang tên nhà hoạt động cách mạng Huỳnh Thúc Kháng được tổ chức tại xóm Bờ Rạ, xã Tân Thái năm 1949; Báo Văn nghệ Cứu quốc ghi dấu ấn đậm nét tại xóm Chòi, xã Mỹ Yên… Ngày 21/4/1950, Hội Nhà báo Việt Nam thành lập tại Điềm Mặc; Ngày 11/3/1951, Báo Nhân Dân ra số đầu tại Quy Kỳ (Định Hoá)…

Như vậy, sau tờ Việt Nam Độc lập do Bác Hồ sáng lập, phát hành số đầu ngày 28/01/1941 tại Cao Bằng, Thái Nguyên, Việt Bắc có một môi trường báo chí hết sức phong phú. Hoà bình lập lại, Thái Nguyên vinh dự được Bác Hồ, Trung ương giao nhiều nhiệm vụ lớn như: Thí điểm cải cách ruộng đất, thí điểm mô hình hợp tác xã, phát triển công nghiệp luyện kim, chế tạo máy và đào tạo nguồn nhân lực cho xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhà báo Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam chia sẻ: “Bảo tàng Báo chí Việt Nam có một khu vực giới thiệu về báo chí  kháng chiến, chủ yếu ở Thái Nguyên. Mỗi lần được giới thiệu là một lần cảm xúc dâng trào.

                                                                                  ***

Trước ngày 25/8/1962, chúng ta có tờ Tin Thái Nguyên và tờ Tin Gang Thép. Thực hiện Nghị quyết 29 ngày 25/8/1962, báo và đài đều trở thành cơ quan báo chí cấp tỉnh. Đài Truyền thanh khi ấy có 19 cán bộ, nhân viên do đồng chí La Quốc Tự phụ trách. Tờ báo in chỉ có 4 phóng viên, là cán bộ tuyên truyền của các cơ quan chuyển về do đồng chí Lê Chỉnh quán xuyến. Sau một tháng rưỡi chuẩn bị, ngày 18/10/1962, số báo Thái Nguyên đầu tiên 4 trang ra đời, đúng vào dịp chào mừng thị xã Thái Nguyên lên thành phố loại 3 trực thuộc tỉnh vào ngày hôm sau (19/10/1962). Ngày 10/4/1965, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 111, ngày 21/4/1965, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết 103, sáp nhập tỉnh Bắc Kạn vào Thái Nguyên thành tỉnh Bắc Thái… Sau 31 năm, từ 1/1/1997, tờ báo lại về tên cũ do việc tái lập tỉnh Thái Nguyên…

Xuân này ngồi nhớ lại con đường và hành trình đi tới của Báo Thái Nguyên 60 năm qua, có thể thấy bao gồm 3 giai đoạn chủ yếu: Hơn 20 năm đầu (1962-1986) là thời kỳ hình thành, cán bộ từ các ngành, từ Báo Việt Nam Độc Lập sau giải thể, các tờ tin về đầu quân, in ấn, sản xuất tin bài còn lạc hậu, làm báo trong điều kiện chiến tranh… Tuy vậy, vai trò thông tin của Báo hết sức to lớn. Những cái tên, bút danh thân thuộc với độc giả và góp sức để tờ báo luôn hoàn thành nhiệm vụ: Lê Chỉnh, Khướu Minh Tòng, Hoàng Vĩnh Xuyên, Đặng Xuân Thụ, Đức Thuận, Hồng Dương, Văn Giang, Văn Nhân, Nguyễn Niên, Minh Châm, Hữu Minh, Sỹ Mùi, Liêu Chiến, Vũ Liêu, Tiến Vịnh, Non Nước, Văn Thành, Thanh Hằng, Duy Hiệu…

Từ năm 1986, đất nước bước vào hành trình đổi mới, Báo Thái Nguyên cũng bắt đầu tự đổi mới để phục vụ đất nước. Từ đó đến năm 2000, báo Thái Nguyên tăng kỳ, thêm ấn phẩm; củng cố bộ máy tổ chức, thành lập các phòng… Đặc biệt đổi mới và nâng cao chất lượng tuyên truyền. Những gương mặt mới được bổ sung: Lê Quang Dực, Minh Hằng, Thuý Hoà… Từ năm 1998, công nghệ vi tính đã được ứng dụng trong sản xuất báo và từ cuối năm 2000, Báo Thái Nguyên đã có nhà in riêng.

Ngày 12-12-2001, báo Thái Nguyên điện tử ra đời trên mạng Intranet, đến ngày 1-1-2004, báo Thái Nguyên điện tử chính thức hòa mạng Internet.

Trong ảnh: Phóng viên Phòng Báo điện tử tác nghiệp trong ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, ngày 23-5-2021.

21 năm tính từ đầu thế kỷ là bước tiến nhanh, mạnh, phù hợp thời đại của tờ báo Đảng quê nhà… Những đóng góp của các thế hệ người làm báo Thái Nguyên đã được Đảng, Nhà nước, tỉnh ghi nhận bằng việc khen thưởng huân, huy chương các loại; công chúng báo chí thì có niềm tin với tờ báo của mình.

Một Toà soạn đa phương tiện và hội tụ được hình thành và phát triển hơn 20 năm qua. Một đội ngũ lãnh đạo và cán bộ được đào tạo kỹ lưỡng, trẻ trung sẽ tiếp tục cùng tờ báo đi lên lớn mạnh, xứng đáng với truyền thống của mình.     

                         NGHỊ QUYẾT

                                       về việc chuyển tờ Tin Thái Nguyên thành Báo Thái Nguyên

 

L.T.S: Ngày 25/8/1962, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ra Nghị quyết số 29 do đồng chí Lê Đức Chỉnh, Bí thư Tỉnh ủy ký về việc chuyển tờ Tin Thái Nguyên thành tờ Báo Thái Nguyên. Trong số báo này, Báo Thái Nguyên trích đăng nội dung chính của Nghị quyết:

...Căn cứ vào vị trí quan trọng của tỉnh Thái Nguyên về mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự... Căn cứ vào nhu cầu của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân các dân tộc về việc xem báo địa phương để theo dõi, hiểu biết về tình hình mọi mặt trong tỉnh, cũng như các chủ trương, chính sách của cấp ủy Đảng, chính quyền.

                        QUYẾT NGHỊ

Chuyển tờ Tin Thái Nguyên thành tờ Báo Thái Nguyên. Tờ Báo Thái Nguyên - cơ quan ngôn luận của Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Thái Nguyên.

Báo Thái Nguyên có nhiệm vụ:

- Tuyên truyền, giải thích đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ thể hiện trong chủ trương công tác cụ thể của Đảng bộ, chính quyền và đoàn thể địa phương.

- Tuyên truyền, giáo dục cho nông dân, công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động khác thuộc thành phần các dân tộc trong việc thi đua thực hiện mọi nhiệm vụ do Đảng bộ địa phương đề ra và thi đua thực hiện kế hoạch Nhà nước.

Báo Thái Nguyên là cơ quan ngôn luận của Tỉnh ủy cho nên các đồng chí Tỉnh ủy viên, Huyện ủy viên và các đồng chí cấp ủy viên các cấp từ tỉnh tới xã, HTX cũng như các đồng chí phụ trách các cơ quan công, nông trường, xí nghiệp, các đồng chí thủ trưởng, thủ phó các ngành chuyên môn của Đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh và nói chung nhân dân các dân tộc có nhiệm vụ:

+ Xem báo và tuyên truyền cổ động cho báo Đảng.

+ Viết tin, viết bài cho báo Đảng.

+ Xây dựng, phê bình góp ý kiến về các mặt nội dung, hình thức, thể tài cho báo Đảng.

+ Ty bưu điện tỉnh có trách nhiệm tổ chức phát hành thật tốt báo Đảng theo thể lệ phát hành như các báo khác...

Tháng 8-1997, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên khóa XV do đồng chí Nguyễn Ngô Hai làm Bí thư Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết về việc lấy ngày 25-8 hằng năm là Ngày truyền thống của Báo Thái Nguyên.