Ngay trước thềm năm học mới 2021-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến công tác tại Thái Nguyên, thể hiện sự quan tâm của người đứng đầu Chính phủ đối với tỉnh trong thời điểm nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Với phong cách giản dị, chọn địa điểm là một phòng học nơi chiến khu ATK Định Hóa để chủ trì Hội nghị trực tuyến với tất cả các địa phương cấp huyện và xã trên địa bàn tỉnh, Thủ tướng đã truyền đi một thông điệp rất rõ ràng, đó là dành sự quan tâm đặc biệt cho giáo dục, nhất là ở vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn và tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo động lực quan trọng để tỉnh hiện thực hóa khát vọng phát triển…
Quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho giáo dục
Đến thăm và động viên học sinh, giáo viên Trường Mầm non Bình Yên; kiểm tra trường lớp, khu bán trú, khu sinh hoạt chung và nhà ăn tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Định Hóa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương thầy, cô giáo và ý thức của các em học sinh đã tạo nên ngôi trường khang trang, sạch đẹp. Đồng thời đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo sát sao của tỉnh đối với sự nghiệp giáo dục nói chung, các trường dân tộc nội trú nói riêng.
Khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu và là cơ sở quan trọng để thực hiện chính sách “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước luôn hết sức quan tâm, ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số… Nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành và triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc và bảo đảm sự công bằng xã hội trong giáo dục.
Đối với Thái Nguyên - một trung tâm giáo dục và đào tạo lớn của cả nước, công tác giáo dục cũng được đặc biệt quan tâm và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, toàn tỉnh có trên 85% số trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trở lên là trên 82,5%; trên 8% số học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú. Tỉnh đã ban hành Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 với kinh phí thực hiện dự kiến trên 2.800 tỷ đồng.
Xác định giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực là nền tảng cho sự phát triển bền vững, tỉnh đã có nhiều chính sách sách đột phá. Cụ thể, mới đây, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết dành trên 52 tỷ đồng để hỗ trợ kinh phí giảng dạy cho giáo viên dạy tiếng Anh tự chọn lớp 1, lớp 2 trong các cơ sở giáo dục công lập; hỗ trợ lệ phí thi cho học sinh phổ thông đang học có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
Đây là nội dung nhằm cụ thể hóa các mục tiêu của Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Đặc biệt, tháng 8-2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 39/2021/QĐ-UBND quy định vùng tạo nguồn cán bộ cho các dân tộc thuộc diện tuyển sinh vào các trường phổ thông dân tộc nội trú. Theo đó, nguyên tắc tuyển sinh sẽ ưu tiên hồ sơ dự tuyển thuộc khu vực III, trường hợp còn chỉ tiêu tuyển sinh thì tiếp tục xem xét hồ sơ theo thứ tự khu vực II và I. Quy định này đảm bảo quyền lợi học và mở rộng hơn cơ hội cho nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số được theo học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú.
Tiến nhanh trên con đường chuyển đổi số
Trong chương trình làm việc tại Thái Nguyên, việc Thủ tướng Chính phủ chọn địa điểm là một phòng học tại huyện Định Hóa để chủ trì cuộc họp kết nối trực tuyến với các điểm cầu cấp huyện và 178 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, với tổng số trên 700 đại biểu tham dự, cho thấy sự chuẩn bị tốt về hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin nói riêng, công tác chuyển đổi số (CĐS) nói chung trên địa bàn tỉnh.
Công nghệ đã giúp xóa nhoà giới hạn về không gian địa lý. Và đây là cuộc làm việc của người đứng đầu Chính phủ với tỉnh Thái Nguyên có số lượng đại biểu tham dự đông nhất từ trước đến nay.
Thời gian gần đây, CĐS đã trở thành câu chuyện thời sự và được quan tâm ở tất cả các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh. Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của lĩnh vực này, ngày 31/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về Chương trình CĐS của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và lấy ngày 31-12 hằng năm là Ngày CĐS tỉnh Thái Nguyên.
Sau một năm thực hiện Nghị quyết, Thái Nguyên hiện xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về CĐS và thuộc nhóm 7 địa phương xếp loại A về mức độ sẵn sàng bảo đảm an toàn thông tin mạng; được Trung ương đánh giá đi nhanh, đi trước trong CĐS.
Về tổng quan, toàn tỉnh đã đạt thành tựu toàn diện trên cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Mô hình “phòng họp không giấy tờ” được áp dụng phổ biến từ tỉnh đến các địa phương. Đáng chú ý là tỉnh đã đưa vào hoạt động Trung tâm Điều hành thông minh (IOC); nhiều ứng dụng thiết thực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch COVID-19 được triển khai, như: C-ThaiNguyen, Bản đồ COVID-19, quản lý phương tiện đến Thái Nguyên… Mới đây nhất, tỉnh đã triển khai ứng dụng ThaiNguyen ID giúp định danh chính xác cá nhân trên không gian số.
Mới đây, trả lời phỏng vấn báo chí, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh: Với những kết quả đạt được, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục coi CĐS là động lực và bệ đỡ cho quá trình phát triển của địa phương. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh lựa chọn CĐS là “chìa khóa” để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xây dựng chính quyền số, kinh tế số và công dân số; hướng tới sự hài lòng của nhân dân, doanh nghiệp thông qua dịch vụ công trực truyến, cải cách hành chính…
Quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho giáo dục để phát triển nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng làm việc trong môi trường hội nhập quốc tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp kết hợp với "đi trước, đón đầu" trong lĩnh vực CĐS đã và đang giúp Thái Nguyên tiến nhanh và bền vững. Từ đó từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030; xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất miền Bắc nước ta như mong muốn của Bác Hồ khi Người về thăm tỉnh năm xưa.