Đồng chí Tô Hiệu - lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam

10:25, 07/03/2022

L.T.S: Nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Tô Hiệu (1912-2022), lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, mới đây, Ban Tuyên giáo Trung ương đã biên soạn Đề cương tuyên truyền kỷ niệm. Báo Thái Nguyên điện tử trân trọng giới thiệu nội dung Đề cương tuyên truyền.

I. KHÁI LƯỢC TIỂU SỬ VÀ QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA ĐỒNG CHÍ TÔ HIỆU

Tô Hiệu sinh năm 1912 tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên - mảnh đất giàu truyền thống văn hiến, quê hương của khởi nghĩa Bãi Sậy nổi danh trong cả nước, được nuôi dạy trong một gia đình nền nếp.

Năm 14 tuổi, khi đang theo học tại trường Pháp - Việt ở thị xã Hải Dương, Tô Hiệu đã tham gia phong trào bãi khoá đòi tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Vì hoạt động này nên mặc dù học rất giỏi, năm 1926 Tô Hiệu vẫn bị buộc thôi học. Phải rời trường nhưng dấu ấn tinh thần yêu nước đã in đậm trong tinh thần Tô Hiệu, đây cũng là bước dấn thân hướng vào con đường cách mạng của anh.

Từ năm 1927-1929, Tô Hiệu lên Hà Nội để học Cao đẳng tiểu học ở Trường Trí Tri. Trong thời gian này, anh tiếp tục tham gia các hoạt động đấu tranh cách mạng. Qua thử thách, anh được kết nạp vào Học sinh Đoàn, một đoàn thể do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hà Nội tổ chức.

Đầu năm 1930, Tô Hiệu vào Sài Gòn hoạt động cách mạng cùng với anh ruột là Tô Chấn, một lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân Đảng. Ngày 25-8-1930, Tô Hiệu bị thực dân Pháp bắt, đến ngày 28-12-1930 bị đưa ra xét xử tại Tòa án Sài Gòn, kết án 4 năm tù, đày đi Côn Đảo. Trong thời gian này, Tô Hiệu kiên cường tham gia đấu tranh trong tù, tích cực học tập lý luận cách mạng, nhanh chóng giác ngộ và có bản lĩnh vững vàng.

Cuối năm 1932, Tô Hiệu được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương trong ngục tù đế quốc ở Côn Đảo, đây là bước chuyển quyết định và toàn diện của Tô Hiệu - từ một người yêu nước nhiệt thành trở thành một đảng viên cộng sản.

Năm 1934, hết hạn tù Côn Đảo, Đồng chí bị thực dân Pháp đưa về quản thúc ở quê hương Xuân Cầu, Văn Giang. Mặc dù bị quản thúc nhưng Đồng chí không chịu khuất phục, vừa tìm hiểu tình hình và gây dựng phong trào cách mạng ở quê hương, vừa tìm mọi cách vượt qua sự bao vây, phong tỏa của địch để bắt liên lạc với Đảng.

Năm 1936, đồng chí Tô Hiệu cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt), Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) và nhiều đồng chí khác xây dựng lại hệ thống tổ chức đảng và chỉ đạo phong trào đấu tranh của quần chúng đòi dân sinh, dân chủ ở Hà Nội và vùng phụ cận.

Giữa tháng 5-1937, Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ đã được thành lập, đồng chí Tô Hiệu được bầu là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy. Cuối tháng 11-1937, Đồng chí được cử làm Ủy viên Thường vụ Liên Xứ ủy Bắc Kỳ - Bắc Trung Kỳ.

Từ cuối năm 1937 đến đầu năm 1938, Đồng chí đã có nhiều chuyến đi tới Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương chăm lo công tác xây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng tổ chức đảng ở các địa phương này.

Tháng 2-1939, Đồng chí được Xứ ủy phân công phụ trách Khu ủy khu B và là Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Đồng chí đã tích cực chỉ đạo, đưa phong trào cách mạng ở đây lên cao, gây nhiều tiếng vang mạnh mẽ trong và ngoài nước.

Ngày 1-12-1939, đồng chí Tô Hiệu đến cơ sở in ở xóm thợ Thượng Lý (Hải Phòng) kiểm tra việc in truyền đơn tuyên truyền chuẩn bị cho cuộc đấu tranh mới thì bị địch bắt. Mặc dù kẻ thù đã tra tấn dã man, ra sức mua chuộc, nhưng không thể lay chuyển được ý chí cách mạng kiên cường của đồng chí Tô Hiệu. Cuối tháng 12-1939, chúng đã xử mức án 5 năm tù và đầu năm 1940 đày Đồng chí đi Nhà tù Sơn La. Tại đây, Đồng chí đã tích cực tham gia tổ chức những chiến sĩ cộng sản đấu tranh chống chế độ lao tù đế quốc.

Trung tuần tháng 2-1940, Chi bộ Nhà tù Sơn La được thành lập, đồng chí Tô Hiệu được cử làm Chi ủy viên, kiêm Tổ trưởng tổ đảng. Tháng 5-1940, Đại hội Chi bộ bí mật được triệu tập, quyết định các chủ trương, công tác cụ thể, đồng chí Tô Hiệu được bầu làm Bí thư Chi bộ.

Đến tháng 10-1941, đồng chí Tô Hiệu thôi không giữ chức Bí thư Chi bộ Nhà tù vì lý do sức khỏe, song Đồng chí vẫn là cố vấn đặc biệt tin cậy của Chi ủy, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ huấn luyện và tuyên truyền.

Do chế độ hà khắc của nhà tù thực dân và căn bệnh hiểm nghèo, vào hồi 10 giờ 15 phút ngày 7-3-1944, đồng chí Tô Hiệu hy sinh tại Nhà tù Sơn La và được an táng tại nghĩa trang Gốc Ổi (nghĩa trang Nhà tù Sơn La) trong niềm tiếc thương vô hạn của anh em, đồng chí.

Với ba mươi hai năm tuổi đời, 18 năm quyết dấn thân và hy sinh vì độc lập của dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của Nhân dân, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Tô Hiệu là tấm gương sáng của một chiến sĩ tiên phong, người cộng sản kiên trung, một nhà lãnh đạo tài năng của Đảng ta.

(Còn nữa)