Chiều 22-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với Ban Thường vụ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam-Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam.
Chiều 22-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với Ban Thường vụ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam-Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam.
Theo Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, các cấp Hội chủ động tổ chức và tham gia các đoàn kiểm tra giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách, chế độ đối với người cao tuổi; nhiều địa phương đã có các quy định cụ thể hỗ trợ người cao tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người cao tuổi không có lương hưu, bảo hiểm xã hội. Phối hợp chính quyền đồng cấp tổ chức chúc thọ, mừng thọ theo quy định của pháp luật. Quan tâm đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng nguồn lực góp phần hỗ trợ xóa nhà tạm, thăm hỏi, tặng quà người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.
Hơn 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, đa số các bệnh viện thực hiện ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên. Hội đã tổ chức nhiều hoạt động quyên góp ủng hộ tiền, vật phẩm thiết yếu tham gia phòng, chống dịch COVID-19; giúp người cao tuổi vùng bị thiên tai khắc phục khó khăn, ổn định đời sống.
Công tác phát huy vai trò người cao tuổi được đẩy mạnh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hội phát động phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao-Gương sáng”, động viên hội viên và người cao tuổi cả nước tích cực tham gia phát triển kinh tế.
Hiện cả nước có hơn 6,5 triệu người cao tuổi đang trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, kinh doanh trong đó có 100.000 người cao tuổi làm chủ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp; gần 400.000 người cao tuổi đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi. Nhiều người cao tuổi có điều kiện đã tiếp tục tham gia quản lý, giảng dạy ở các trường tư thục mầm non, phổ thông, đại học; nhiều người cao tuổi là nhà khoa học, nghệ nhân văn hóa vẫn hăng say nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao, góp phần vào sự phát triển của đất nước.
Phát huy vai trò người cao tuổi trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp nhất là ở cấp cơ sở. Hiện cả nước có 656.000 người cao tuổi tham gia công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, thanh tra nhân dân, hòa giải cơ sở, có hơn 300.000 người cao tuổi tham gia các tổ an ninh nhân dân phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự ở cơ sở.
Các cấp Hội đã tích cực phối hợp các cơ quan, ban, ngành liên quan tham mưu với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi; tổng kết thực hiện Kết luận số 102/CT-TW của Ban Bí thư về công tác Hội quần chúng và triển khai Thông báo số 158-TB/TW ngày 2/1/2020 Kết luận của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Kết luận số 102/CT-TW; kiến nghị ban hành Luật về Hội, công tác tổ chức Hội, các chính sách, chế độ đối với người cao tuổi.
Hội cũng đã làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương; thông qua đó đã kịp thời phản ánh với Đảng, Nhà nước những vấn đề người cao tuổi quan tâm, những đề xuất kiến nghị của cử tri người cao tuổi...
Quang cảnh buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng Hội Người cao tuổi Việt Nam đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Người cao tuổi Việt Nam lần thứ 6.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi tới tập thể Ban Thường vụ Trung ương Hội, toàn thể các hội viên lời chào, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thủ tướng nêu rõ, "kính lão đắc thọ" là truyền thống tốt đẹp của dân tộc từ ngàn xưa, thể hiện luôn kính trọng người cao tuổi. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ đều coi trọng công tác người cao tuổi. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn quan tâm và đề cao vai trò của người cao tuổi. Thủ tướng khẳng định, người cao tuổi Việt Nam luôn thể hiện được vai trò, trách nhiệm lớn lao trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.