Ngày 31-3, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN-TC) chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Cán sự Đảng Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Dự tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Phạm Văn Thọ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các cơ quan Công an, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân của tỉnh (ảnh).
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định: Qua 7 năm thực hiện Quy chế, công tác phối hợp giữa 4 cơ quan nội chính ngày càng chặt chẽ, đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhất là các cơ quan đã tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo về PCTN-TC và Cải cách tư pháp, cơ quan có thẩm quyền nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực liên quan. Nổi bật là tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư xử lý nhiều vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm. Quá trình xử lý các vi phạm được thực hiện nghiêm túc, nhiều cán bộ chủ chốt các cấp, kể cả cán bộ đương chức và nguyên cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý phạm tội đã bị xử lý nghiêm theo quan điểm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phối hợp giữa các cơ quan thời gian qua vẫn còn những hạn chế, như: Việc trao đổi thông tin, cung cấp tài liệu, phối hợp tham mưu chỉ đạo xử lý một số vụ việc, vụ án còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; công tác phối hợp đôn đốc xử lý khó khăn, vướng mắc trong giám định, định giá tài sản ở một số vụ án, vụ việc còn để kéo dài...
Để khắc phục những hạn chế này, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị thời gian tới: Các cơ quan nội chính cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành trong tổ chức thi hành pháp luật; chủ động, kịp thời tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp có thẩm quyền các chủ trương, chính sách, giải pháp có tính chiến lược trong đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Ban Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nội chính, PCTN-TC và cải cách tư pháp; tập trung tham mưu, đề xuất hiệu quả về chủ trương, định hướng xử lý đối với các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến cán bộ diện Trung ương quản lý...
Đặc biệt là 4 cơ quan khối nội chính cần đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực trên quan điểm “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, nhất là vụ việc liên quan đến lãnh đạo chủ chốt để tăng tính răn đe; tăng cường công tác thu hồi tài sản các vụ án kinh tế tham nhũng…