Tấm gương và “Tinh thần Tô Hiệu” là tài sản vô giá đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc

10:20, 09/03/2022

3. Đồng chí Tô Hiệu - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập tự do, hạnh phúc của dân tộc

Cuộc đời của đồng chí Tô Hiệu phấn đấu kiên cường, vượt qua mọi thử thách, gian lao của cuộc đấu tranh sinh tử vì mục tiêu độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam.

Phải lao động kiếm sống tự lập từ nhỏ và tự học tập, rèn luyện từ lúc mới 14 tuổi, với ý chí can trường, Tô Hiệu đã từng bước trưởng thành từ người yêu nước chân chính trở thành người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, rồi đạt đến tầm cao của nhà lãnh đạo cách mạng tiên phong kiên cường ở thời kỳ kẻ thù tiến hành mọi phương sách khủng bố làm tan rã cả hệ thống tổ chức của Đảng, lúc phong trào cách mạng và tinh thần đấu tranh của nhân dân bị đàn áp tới tột cùng.

Mặc dù hai lần bị địch bắt và đày ải trong những nơi địa ngục trần gian, nhưng đó là hai lần đồng chí đã “biến cái rủi thành may” để làm giàu trí tuệ, nghị lực phục vụ cho Đảng và dân tộc, cùng các đồng chí của mình biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng. Ý chí kiên cường của đồng chí Tô Hiệu đã khiến quân thù phải khiếp sợ.

Thời gian bị đày ra Côn Đảo, tuy bị lao phổi, nhưng Đồng chí vẫn cần mẫn học hành, trau dồi tri thức và kinh nghiệm hoạt động cách mạng. Khi bị thực dân Pháp bắt lần 2, tại Hải Phòng, dù bị bọn mật thám đánh đập dã man, Đồng chí vẫn không hề hé răng tiết lộ tài liệu, cơ sở cách mạng. Trong phiên tòa xét xử, khi bị luận tội, dù thân thể tàn tạ do bệnh tật và đòn roi quân thù, Đồng chí vẫn hiên ngang, dõng dạc tố cáo tội ác của thực dân Pháp và tay sai, khẳng định con đường cách mạng giải phóng dân tộc là con đường đúng đắn.

Đặc biệt, khi bị đày ở nhà tù Sơn La, dù bị đói rét và bệnh lao hành hạ, đồng chí Tô Hiệu vẫn giữ vững ý chí chiến đấu. Đồng chí đã không ngừng làm việc, viết các bài tuyên truyền, lý luận cách mạng, lãnh đạo anh em tù đấu tranh với quân thù, khiến bọn cai ngục và chính tên Công sứ Sơn La Cút-xô khét tiếng gian ác phải nể phục, run sợ.

Ngay cả khi sức khỏe đã cùng kiệt, đồng chí Tô Hiệu vẫn là và mãi là một chỗ dựa tinh thần, một ý chí để cổ vũ, động viên những người cộng sản giữ vững chí khí đấu tranh và quyết tâm suốt đời phấn đấu vì mục tiêu lý tưởng cộng sản, cho dù đang ở nơi đen tối nhất trong ngục tù đế quốc. Đánh giá về đồng chí Tô Hiệu, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã viết “Cuộc đời đồng chí tuy ngắn ngủi, nhưng những cống hiến của đồng chí cho dân tộc và cho cách mạng thật là to lớn”.

4. Tấm gương và “Tinh thần Tô Hiệu” là tài sản vô giá đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc

Cuộc đời của đồng chí Tô Hiệu đã để lại bài học to lớn về truyền thống yêu nước không chỉ với lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng mà còn của cả dân tộc Việt Nam. Tấm gương hy sinh anh dũng, bất khuất của Đồng chí là sự tiếp nối những gương anh hùng trong lịch sử nước nhà. Tinh thần yêu nước, “thà chết chứ không chịu làm nô lệ” của con dân nước Việt qua tấm gương Tô Hiệu ở thời đại Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục được nối dài theo từng giai đoạn lịch sử dân tộc, mỗi khi Tổ quốc bị các thế lực ngoại bang dòm ngó.

Tấm gương và “Tinh thần Tô Hiệu” không chỉ thể hiện ở lòng yêu nước, phẩm chất đạo đức cách mạng, “đặt lợi ích của Đảng và của Nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc” mà còn thể hiện ở thái độ lạc quan cách mạng.

Trong chốn lao tù đế quốc, với vô vàn thiếu thốn, gian khổ về vật chất, sự hành hạ về tinh thần và vật vã với bệnh tật, đồng chí Tô Hiệu vẫn động viên đồng chí, đồng đội của mình tin tưởng vào tương lai của cách mạng. Dù biết chắc chắn mình sẽ hy sinh vì bệnh lao phổi đã ở giai đoạn cuối, Đồng chí càng hăng say viết tài liệu, viết báo, tuyên truyền và lãnh đạo Chi bộ Nhà tù Sơn La. Đồng chí tâm sự “mình biết chắc chắn rằng mình sẽ chết sớm hơn người khác, vì vậy phải tranh thủ thời gian để chiến đấu, phục vụ cho Đảng” và “mình chỉ e chết sớm không làm hết những điều dự định”.

Ý thức bảo vệ uy tín của Đảng cũng được thể hiện rõ khi bệnh tật hành hạ, đau đớn, Đồng chí vẫn kiên cường: “Chắc chắn mình không sống được. Mình có gan tự tử nhưng mình không muốn làm điều đó. Nó để lại nỗi buồn và sự day dứt cho anh em, bởi người không hiểu sẽ có những lời bàn tán không hay. Mặt khác, địch cũng sẽ có thể đặt nghi vấn, phiền phức”. Trước khi đi xa, Đồng chí đã dặn lại các đồng chí của mình: “ánh sáng ngày mai đã ló ở phía chân trời, hãy chuẩn bị đương đầu với những thử thách lớn nhất”.

Cây đào do đồng chí Tô Hiệu trồng tại Nhà tù Sơn La trong thời gian, bị giam giữ ở đây đã trở thành biểu tượng không chỉ cho tinh thần đấu tranh bất khuất kiên cường của các chiến sỹ cộng sản tại Nhà tù Sơn La, mà còn là “biểu tượng của sức sống cách mạng vươn lên từ đất chết, là lời nhắn nhủ cho hậu thế rằng mùa xuân nhân loại, chủ nghĩa cộng sản sẽ ra hoa kết trái trên mảnh đất Việt Nam thân yêu”. Hình tượng Tô Hiệu và cây đào Tô Hiệu đã trở thành hình tượng văn học, nghệ thuật quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và thế giới.

Lịch sử ghi nhận những cống hiến to lớn của đồng chí Tô Hiệu, nhưng một điều hiếm có và rất đặc biệt là còn mãi lưu truyền trong các thế hệ cách mạng tên gọi biểu tượng của đồng chí: “Tinh thần Tô Hiệu”. Đây là một nguồn động lực cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cộng sản, góp phần đưa tới thành công của sự nghiệp cách mạng. Sự hy sinh của đồng chí Tô Hiệu không phải chấm dứt một sự sống mà là sự khơi nguồn cho một sức phấn đấu mạnh mẽ mới của những người cộng sản Việt Nam trên con đường chinh phục mục tiêu độc lập cho dân tộc, tự do và hạnh phúc cho tất cả đồng bào của mình.

***

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí Tô Hiệu (1912-2022), người cộng sản kiên cường, bất khuất, trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập tự do của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời hoạt động và những cống hiến to lớn của Đồng chí đối với Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng thời, qua đó tuyên truyền, giáo dục về chủ nghĩa yêu nước, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của các thế hệ cách mạng tiền bối, để các thế hệ hôm nay học tập, noi theo.

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đặc biệt là công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng đã xác định rõ lộ trình và đạt được nhiều thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, sự nghiệp cách mạng vĩ đại đó của cả dân tộc cũng đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước của toàn dân, sự tiên phong, gương mẫu của những người cộng sản với một ý chí và quyết tâm vô cùng to lớn, dám nghĩ, dám làm, mở đường mà đi. Chúng ta có thể tìm thấy giá trị tinh thần tiên phong đó ở tấm gương người cộng sản Tô Hiệu để đưa công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đi đến đích cuối cùng.