Thảo luận về các dự án Luật sửa đổi, bổ sung

14:33, 28/03/2022

Sáng 28-3, tại nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ​, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận, góp ý kiến về 4 dự án Luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3. Dự Hội nghị có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hội nghị được kết nối trực tuyến với các tỉnh, thành phố trong cả nước. 

Điểm cầu tỉnh Thái Nguyên do đồng chí Đoàn Thị Hảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì (ảnh).

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Đây là Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, diễn ra trong 2 ngày (28-29/3) để thảo luận, cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 dự án Luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Những dự án Luật này nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận và đại biểu Quốc hội, có nhiều quy định mới, đối tượng chịu ảnh hưởng rộng, một số nội dung còn có ý kiến khác nhau, cần được tiếp tục cân nhắc, vì vậy rất cần sự đóng góp ý kiến của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện, đảm bảo chất lượng cao nhất trình Quốc hội xem xét, quyết nghị tại Kỳ họp thứ 3.

Trong phiên làm việc sáng nay, các đại biểu đã tập trung thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; nghe báo cáo về dự kiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ... Trong đó, các đại biểu chủ yếu đề cập đến: Quyền đăng ký sáng chế; đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng quy định xử lý vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, kiểu dáng công nghiệp, bởi trong xu thế hội nhập quốc tế thì có rất nhiều sản phẩm của nước ngoài, tránh để các doanh nghiệp trong nước vi phạm, tranh chấp bản quyền với doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt, nếu chỉ xử lý vi phạm sở hữu, bản quyền bằng xử phạt hành chính thì không đủ sức răn đe, Luật cần quy định rõ hơn, phân loại theo mức độ vi phạm, có thể đưa ra truy tố tại Tòa án…

* Buổi chiều, Hội nghị tiếp tục thảo luận về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận, một số đại biểu nêu ý kiến: Đề nghị tiếp tục thực hiện khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến và khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc; cần khắc phục tình trạng khen thưởng “cộng dồn thành tích”; chú trọng khen thưởng người lao động trực tiếp, lao động khu vực ngoài Nhà nước.

Ngoài ra, đối với việc xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng cần bổ sung việc hủy bỏ quyết định khen thưởng, thu hồi hiện vật và tiền thưởng đối với trường hợp bị phát hiện vi phạm quy định của Nhà nước và bị xử lý kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên…

Phát biểu ý kiến về tiêu chuẩn, thời gian tại ngũ để thực hiện tặng và truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” được quy định tại khoản 2, điều 95 của dự thảo Luật, đại biểu Đoàn Thị Hảo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đề nghị: Không nên quy định tiêu chuẩn quá cao về thời gian tại ngũ khi tặng và truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong (TNXP) vẻ vang” đối với TNXP tham gia thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Nhất là đối với TNXP hy sinh trong khi làm nhiệm vụ và đã được công nhận liệt sĩ.