Vào lúc 9 giờ ngày 29/4/1975, Quần đảo Trường Sa được hoàn toàn giải phóng. Quân chủng Hải quân cùng lực lượng phối thuộc của Quân khu 5 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa, đây là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chiến công này khẳng định sự chỉ đạo sáng suốt, chính xác, kịp thời của Thường trực Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh và Quân chủng Hải quân trên mũi tiến công trên hướng biển trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Đặc biệt, việc giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa từ quân đội ngụy quyền Sài Gòn đóng giữ chính là bằng chứng có tính pháp lý để khẳng định trước cộng đồng quốc tế rằng, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Trước đó, ngày 4/4/1975, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp đã gửi bức điện đặc biệt cho Quân chủng Hải quân và Quân khu 5 giao nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa do quân đội ngụy quyền Sài Gòn đóng giữ. Bức điện ghi rõ: “Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, Thường vụ Quân ủy giao nhiệm vụ cho Khu ủy, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân khẩn trương nghiên cứu kế hoạch tác chiến và tiến hành mọi công tác chuẩn bị để khi có thời cơ thì kịp thời giải phóng quần đảo Trường Sa, coi đó là một nhiệm vụ rất quan trọng”.
Với phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ và chắc thắng”, Quân chủng Hải quân đã khẩn trương chuẩn bị lực lượng, phối hợp với một bộ phận lực lượng của Quân khu 5, tranh thủ thời cơ, tiến công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Ngày 11/4/1975, lực lượng của ta bí mật xuất phát từ Đà Nẵng và chọn đảo Song Tử Tây làm mục tiêu giải phóng đầu tiên. Rạng sáng 14/4/1975, quân ta bí mật đổ bộ, nhanh chóng giải phóng đảo Song Tử Tây.
Bộ đội hải quân trên đảo Trường Sa được giải phóng, ngày 29/4/1975. Ảnh: Tư liệu
Song Tử Tây bị mất, hệ thống phòng thủ của địch trên quần đảo Trường Sa bị đe dọa. Chớp thời cơ, lúc 0 giờ 30 phút ngày 25/4/1975, ta sử dụng hai tàu 673 và 641 chở lực lượng từ đảo Song Tử Tây đến đảo Sơn Ca. Khi cách đảo Sơn Ca 2 hải lý, lực lượng này được chia làm 3 mũi, chuẩn bị đổ bộ lên đảo. 1 giờ 30 phút, quân ta đổ bộ xong, bắt đầu trinh sát đảo. 2 giờ 30 phút, ta nổ súng tấn công tiêu diệt địch. Bị đánh bất ngờ, địch chống cự yếu ớt, rồi hốt hoảng bỏ chạy, đầu hàng. 3 giờ ngày 25/4/1975, quân ta giải phóng hoàn toàn đảo Sơn Ca, tiêu diệt và bắt sống 25 tên địch, tịch thu vũ khí cùng toàn bộ quân trang của chúng.
Sau chiến thắng “thần tốc” của quân ta tại hai đảo Song Tử Tây và Sơn Ca, hệ thống phòng thủ của địch trên các đảo bị đe dọa nghiêm trọng. Quân địch tại đảo Nam Yết hoảng sợ chống trả yếu ớt. Chớp thời cơ, lực lượng của ta nhanh chóng giải phóng đảo. Vào 10 giờ 30 phút ngày 27/4/1975, quân ta hoàn toàn làm chủ đảo Nam Yết.
Sau khi nghe tin quân ta giải phóng các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, quân địch trên đảo Sinh Tồn đã hoang mang dao động, rút chạy từ sáng 27/4/1975, nên lực lượng ta đổ bộ thuận lợi. Đúng 10 giờ 20 phút ngày 28/4/1975, chúng ta làm chủ đảo hoàn toàn. Đến 9 giờ ngày 29/4/1975, phân đội chiến đấu cuối cùng của Lữ đoàn đặc công 126 đổ bộ làm chủ đảo Trường Sa.
Chỉ trong thời gian ngắn, Quân chủng Hải quân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng - giải phóng quần đảo Trường Sa với hiệu suất chiến đấu cao nhất, tổn thất ít nhất. Sau khi giải phóng, các lực lượng đổ bộ nhanh chóng tổ chức phòng ngự, chốt giữ, bảo vệ, không cho địch phản kích tái chiếm đảo.