Chủ tịch Hồ Chí Minh và lời hiệu triệu cả nước đánh thắng giặc Mỹ

13:13, 29/04/2022

Ngày 03/11/1968, giữa lúc quân và dân hai miền Nam - Bắc giành được nhiều thắng lợi trên mặt trận chống Mỹ cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Lời kêu gọi cả nước tiến lên đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” đăng trên Báo Nhân Dân số 1317. Người cho rằng, dù chúng ta đã đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, nhưng chỉ là thắng lợi bước đầu vì Mỹ rất ngoan cố và xảo quyệt, sẽ không từ bỏ âm mưu phá hoại. Đây chính là lúc không được chủ quan, cần phải tập trung cao độ lực lượng, khí thế chiến đấu để làm bàn đạp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 

“Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Vạch rõ âm mưu phá hoại của đế quốc Mỹ

Từ năm 1964, đế quốc Mỹ đã huy động lực lượng không quân, hải quân leo thang đánh phá miền Bắc lần thứ nhất. Đây được xem là cuộc chiến ác liệt của Mỹ ở miền Bắc và cũng là kết cục thảm hại mà Mỹ phải hứng chịu. Trong lời kêu gọi cả nước tiến lên đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Bác viết: “Sau 4 năm chiến đấu vô cùng anh dũng, quân và dân ta đã giành được thắng lợi vẻ vang: Bắn rơi hơn 3.200 máy bay, bắn cháy hàng trăm tàu chiến lớn nhỏ, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên miền Bắc nước ta”.

Thắng lợi này cùng với thắng lợi của quân dân miền Nam đã buộc Chính phủ Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và bắn phá trên toàn lãnh thổ nước ta. Bác khẳng định đây là thắng lợi có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp chống Mỹ cứu nước vĩ đại của nhân dân ta. “Đây là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta, thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn và của sức mạnh toàn dân đoàn kết quyết chiến quyết thắng, thắng lợi của chế độ xã hội chủ nghĩa tốt đẹp”.

Hàng chục vạn người con của Thủ đô Hà Nội đã tình nguyện lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Ảnh: TL

Tuy nhiên, như chúng ta đều biết, mục tiêu và ảo tưởng to lớn mà Mỹ hướng đến chính là biến miền Bắc nước ta trở về “thời kỳ đồ đá”, nên chúng không thể từ bỏ âm mưu tiếp tục leo thang đánh phá miền Bắc lần thứ hai. Điều này đúng như dự tính của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đầu tháng 4-1972, đế quốc Mỹ mở lại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân với quy mô và cường độ đánh phá lớn, ác liệt hơn. Trước tình hình đó, Người khẳng định, nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân ta lúc này là phải nâng cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc.

Càng chiến đấu, miền Bắc càng vững mạnh

 “Đế quốc Mỹ rất ngoan cố và xảo quyệt. Chúng nói hoà bình, thương lượng nhưng vẫn chưa chịu từ bỏ dã tâm xâm lược của chúng. Hơn một triệu quân Mỹ, quân nguỵ và quân chư hầu còn đang hằng ngày gây ra biết bao tội ác dã man đối với đồng bào miền Nam ta”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đó là khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi quân và dân ta đập tan cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ ở miền Bắc. Và thực tế chiến thắng của ta đã chứng minh câu nói của Người hoàn toàn đúng. Cả hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ đều bị ta đánh bại dù cho chúng huy động và sử dụng nhiều loại vũ khí hiện đại với sức công phá lớn. Trong Lời kêu gọi, Bác viết: Đế quốc Mỹ tưởng lầm với sức tàn phá dã man của bom đạn, chúng có thể làm suy yếu miền Bắc, ngăn chặn sự ủng hộ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn và làm giảm sút sức chiến đấu của miền Nam. Sự thật là: Càng chiến đấu chống giặc Mỹ, miền Bắc càng vững mạnh về mọi mặt và luôn luôn hết lòng, hết sức ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng của đồng bào miền Nam anh hùng. Càng chiến đấu chống giặc Mỹ, đồng bào miền Nam càng đoàn kết chặt chẽ, sức càng mạnh, thắng càng to.

Người kêu gọi đồng bào cả nước cùng kiên quyết yêu cầu Chính phủ Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, phải rút hết quân ra khỏi miền Nam Việt Nam. Công việc nội bộ của miền Nam phải để nhân dân miền Nam tự quyết. Công việc thống nhất nước Việt Nam phải do nhân dân hai miền Nam - Bắc tự giải quyết, nước ngoài không được can thiệp vào…

Vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Ảnh: T.L

Cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai của Mỹ đã không chỉ cho thấy sự thất bại thảm hại của quân đội Mỹ mà còn thể hiện rõ sức mạnh của quân và dân ta. Hẳn chúng ta còn nhớ trận chiến 12 ngày đêm trên bầu trời miền Bắc được xem như trận “Điện Biên Phủ trên không” oanh liệt của ta khiến giặc Mỹ phải khiếp sợ. Nhiều pháo đài bay B52, máy bay trinh sát, trực thăng của Mỹ bị bắn hạ, nhiều tàu chiến bị bắn chìm và hư hỏng, hàng trăm giặc lái bị bắt sống và tiêu diệt.

Chính do những tổn thất nặng nề trên mà ngày 15/01/1973, đế quốc Mỹ phải tuyên bố chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai, ngừng hoạt động chống phá miền Bắc để ký Hiệp định Pari. Thắng lợi này đã góp phần làm chuyển biến căn bản cục diện chiến tranh, quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam.

Thái Nguyên thực hiện lời hiệu triệu của Người

“Đồng bào và chiến sĩ yêu quý! Trước mắt chúng ta còn nhiều gian khổ hy sinh, nhưng sự nghiệp chống Mỹ cứu nước vĩ đại của nhân dân ta đang tiến mạnh đến ngày thắng lợi. Tổ quốc đang kêu gọi chúng ta hăng hái tiến lên đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược! Đế quốc Mỹ nhất định thua! Nhân dân ta nhất định thắng lợi!”. Đây giống như lời hiệu triệu toàn dân tạo nên sức mạnh vô địch tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, quân và dân Thái Nguyên trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai của giặc Mỹ đã đóng góp một phần sức lực quan trọng mang đến thắng lợi. Trong cuộc chiến tranh lần này, Thái Nguyên tiếp tục là địa bàn đánh phá của Mỹ. Trước tình hình đó, quân và dân Thái Nguyên vừa giữ vững và phát triển sản xuất, vừa tích cực chủ động chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng chiến đấu.

Ngày 6/4/1972, đế quốc Mỹ mở lại cuộc chiến phá hoại miền Bắc, trong đó có Thái Nguyên. Ban phòng không nhân dân của tỉnh và các địa phương đã ngay lập tức được khôi phục. Các nhà máy, xí nghiệp một mặt vẫn sản xuất, một mặt bố trí các đại đội, trung đội tự vệ sẵn sàng trực chiến phòng không. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh gấp rút kiện toàn Tiểu đoàn pháo cao xạ và đại đội pháo cao xạ để sẵn sàng ứng chiến khi địch tấn công bằng đường không.

Đúng như dự báo, tháng 6/1972, giặc Mỹ điên cuồng sử dụng bom, đạn rocket tập trung đánh phá địa bàn tỉnh Thái Nguyên với cường độ cao và trên diện rộng. Riêng trong ngày 24/6/1972, Mỹ đã sử dụng tới 36 máy bay ném gần 200 quả bom xuống Khu Gang thép Thái Nguyên và xã Cam Giá làm hư hỏng nặng nhiều dây chuyền sản xuất, buộc hoạt động của Khu Gang thép phải tạm ngừng.

Đội tự vệ xưởng Luyện cốc - Công ty Gang thép Thái Nguyên chiến đấu bảo vệ Khu Gang thép. Ảnh: T.L

Lúc này, lực lượng phòng không của ta tiếp tục được củng cố, có sự tham gia của Quân khu Việt Bắc, tất cả hợp lực tạo thành sức mạnh nhằm hạn chế thiệt hại do không quân Mỹ gây ra. Cuối tháng 12/1972, Mỹ tăng cường máy bay B52 và máy bay chiến thuật vào ném bom TP. Thái Nguyên. Tuy nhiên, quân và dân Thái nguyên đã kiên cường chiến đấu. Trong số 34 máy bay ném bom chiến lược B52 của Mỹ bị quân dân miền Bắc bắn hạ trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 có 2 máy bay do quân dân Thái Nguyên bắn hạ…

Bị tổn thất nặng nề, Ngày 30/12/1972, Tổng thống Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc và đề nghị Chính phủ ta tiếp tục bàn việc ký kết Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam.