Đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

14:49, 05/04/2022

Ngày 5-4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) 3 tháng đầu năm; Chương trình phục hồi và phát triển; việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đại diện các sở, ban ngành liên quan (ảnh).

Theo báo cáo tại Hội nghị, 3 tháng đầu năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, đặc biệt, giá xăng dầu tăng cao nhất từ trước đến nay, tác động không nhỏ đến kinh tế Việt Nam. Trước tình hình đó, nhiều giải pháp đồng bộ đã được Chính phủ và các bộ, ban, ngành triển khai để bảo đảm nguồn cung, ổn định giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá…; dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tạo nền tảng để triển khai hiệu quả lộ trình mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế từ giữa tháng 3, mở cửa trường học, dịch vụ vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật. Điểm sáng nổi bật của Việt Nam trong 3 tháng qua là tăng trưởng GDP đạt khá, quý I ước tăng 5,03% so với cùng kỳ năm 2021, CPI bình quân quý I tăng 1,92%...

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích những việc đã và chưa làm được trong quý I, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, những khó khăn, thách thức chính đối với Việt Nam hiện nay; giải pháp tháo gỡ, những trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới để đạt mục tiêu đề ra…

Kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, tình hình thời gian tới có cả thời cơ, thuận lợi, song khó khăn, thách thức nhiều hơn. Do đó, Chính phủ, các bộ, ngành phải bằng mọi biện pháp thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển KT-XH.

Thủ tướng chỉ rõ, công tác đầu tư công vẫn chưa được cải thiện đáng kể, do đó cần có giải pháp thúc đẩy giải ngân, dứt khoát không manh mún, chia cắt, kéo dài; các bộ, ngành Trung ương cần chỉ đạo quyết liệt triển khai các chương trình phục hồi, phát triển KT-XH; tiếp tục thúc đẩy công tác quy hoạch, tháo gỡ những vướng mắc về thể chế trong công tác quy hoạch; xây dựng các kịch bản xử lý các tác động bởi cuộc xung đột tại Ukraine; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong hoạt động thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản...