Tình hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào là mối quan hệ thủy chung, nhân tố quan trọng trong sự phát triển của hai nước. Gìn giữ và xây đắp cho mối quan hệ sắt son ấy, tỉnh Thái Nguyên đã kết nghĩa, hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nước bạn Lào.
Ngược dòng lịch sử từ năm 1955 đến năm 1958, nước bạn Lào đã gửi 150 cán bộ, chiến sĩ, thanh thiếu niên sang Việt Nam học văn hoá và được Khu uỷ Việt Bắc đưa về đào tạo tại Trường cấp 2, 3 Lương Ngọc Quyến. Các em học sinh các bộ tộc Lào đã được sống trong tình yêu thương, sự đùm bọc, dạy dỗ ân cần của các thầy cô. Sau này về nước, nhiều học sinh đã trở thành cán bộ cốt cán, cao cấp của Đảng và Nhà nước Lào.
Mối quan hệ vững bền Lào - Việt đến tận ngày nay vẫn được gìn giữ và phát huy tốt. Hiện nay, Trường THPT Lương Ngọc Quyến đã kết nghĩa với Trường THPT Pặc Săn của tỉnh Bô Ly Khăm Say. Trường đã cử nhiều giáo viên sang giúp đỡ trường bạn về chuyên môn, cũng như tặng các trang thiết bị dạy học. Để ghi nhận những đóng góp đó, năm 2009, Nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào đã trân trọng trao tặng Trường THPT Lương Ngọc Quyến Huân chương Hữu nghị.
Trong suốt những năm qua, mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào tiếp tục được các thế hệ lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên vun đắp để ngày càng vững bền, thắm thiết. Năm 2019, Thái Nguyên đã quyết định xây tặng công trình lớp học cho Trường THCS Bản Khoi, thành phố Luông Pha Băng, trị giá 7 tỷ đồng. Đặc biệt, phát huy thế mạnh là một trong ba trung tâm giáo dục lớn nhất của cả nước, Thái Nguyên đã giúp nước bạn Lào đào tạo một lượng lớn nguồn nhân lực tại các trường đại học, cao đẳng. Hiện số lưu học sinh (LHS) Lào đang học tập chủ yếu tại các trường thành viên của Đại học Thái Nguyên và Trường Cao đẳng Thái Nguyên.
Vào các dịp lễ, tết cổ truyền các đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức thăm, tặng quà cho lưu học sinh Lào
Có mặt tại Trường Cao đẳng Thái Nguyên những ngày này, chúng tôi được chứng kiến không khí sôi động chuẩn bị cho LHS đón tết Bunpymay – Lào, Cholchnam thmay - Campuchia.
Vừa rời lớp học, LHS Fang Chanh KiHiKhoun, K16 63A1, chuyên ngành Tài chính Ngân hàng phấn khởi: Do dịch COVID-19 nên 2 năm nay em không về nhà. Ở đây, các thầy cô rất quan tâm, động viên chúng em trong học tập. Đặc biệt các dịp lễ, Tết, thầy cô đều tổ chức các hoạt động cho chúng em những vui chơi, giúp vơi đi cảm giác nhớ nhà, có thêm động lực học tập tốt để về quê hương lập nghiệp.
Còn đối với LHS Xamnysone Thongmaly, K16 48G1, Chủ tịch Hội sinh viên Lào tại Thái Nguyên, những ngày này càng tất bật hơn vì em tham gia nhiều hoạt động của trường. Trò chuyện cùng chúng tôi, Xamnysone Thongmaly hào hứng: Bố mẹ em làm nông nghiệp nên đời sống gia đình rất khó khăn. Được sang Việt Nam học em đề ra mục tiêu rất rõ ràng, sau khi tốt nghiệp hệ cao đẳng sẽ đăng ký học tiếp chuyên ngành Công nghệ thông tin tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên). Hiện chuyên ngành này ở nước chúng em đang “khát” nhân lực có trình độ cao.
Đối với các LHS, môn khó nhất trong chương trình học tại Việt Nam có lẽ là Tiếng Việt. Theo cô giáo Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Khoa Ngoại ngữ, Trường Cao đẳng Thái Nguyên: Để giúp các LHS tiếp cận nhanh với môn Tiếng Việt, các thầy cô bắt buộc phải tham gia 2 khóa học tiếng Lào cơ bản. Nhà trường cũng cử giáo viên đi học hỏi kinh nghiệm giảng dạy ở Trường Hữu nghị 80, một ngôi trường có bề dày về công tác giảng dạy cho LHS Lào và Campuchia.
Sau giờ học, các lưu học sinh Lào và Campuchia cùng sinh viên Việt Nam giao lưu thể thao nâng cao sức khỏe
Tìm hiểu chúng tôi được biết, một số thầy, cô giáo còn tổ chức cho LHS đi lễ chùa, ăn cơm chay, giúp nhà chùa vào ngày mùng 1, ngày Rằm; tham gia chương trình homestay. Nhiều thầy cô mời các LHS về nhà và tổ chức bữa cơm gia đình để tạo không khí thân mật, gần gũi giúp LHS có cơ hội tìm hiểu về Việt Nam, từ đó khơi dậy niềm đam mê học tiếng Việt ở các em.
Theo TS Lê Kim Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thái Nguyên: Từ năm học 2011- 2012, Thái Nguyên nhận đào tạo cho tỉnh Luông Pha Băng, mỗi khoá từ 20-30 LHS tại Trường Cao đẳng Kinh tế Tài chính Thái Nguyên (nay là Trường Cao đẳng Thái Nguyên). Hiện nay, mỗi năm tỉnh giao cho Nhà trường đào tạo 106 LHS Lào, Campuchia, trong đó số LHS Lào chiếm gần 70%. Sau một năm học tiếng Việt, các LHS được học các chuyên ngành hệ cao đẳng, nếu có nhu cầu, các em có thể học tiếp liên thông lên đại học. Hiện nay, Trường Cao đẳng Thái Nguyên đã hợp tác đào tạo cho trên 1.500 LHS của 14 tỉnh thuộc nước bạn Lào. Đã có khoảng 1.000 sinh viên tốt nghiệp. Qua khảo sát hằng năm, 100% sinh viên ra trường đã tìm được công việc phù hợp với kiến thức được đào tạo.
Còn tính chung trong Đại học Thái Nguyên, 3 năm qua, các trường thành viên đã đào tạo 1.046 LHS Lào ở các trình độ đại học, sau đại học. Trao đổi cùng chúng tôi, PGS.TS Trần Thanh Vân, Phó Giám đốc phụ trách Đại học Thái Nguyên nhấn mạnh: Với vị thế của một đại học vùng, đại học trọng điểm của cả nước và là thành viên của Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên, Đại học Thái Nguyên cam kết sẽ tiếp tục đóng góp hơn nữa trong việc phát triển mối quan hệ hợp tác nói chung và quan hệ hợp tác trong giáo dục, đào tạo và khoa học - công nghệ giữa hai nước Việt Nam – Lào.