Tư tưởng của V.I.Lênin soi sáng con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

11:02, 22/04/2022

Ngày 22/4/1870, V.I.Lênin-nhà tư tưởng vĩ đại, lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới chào đời tại Simbirsk (nay là Ulianovsk), nước Nga. 152 năm trôi qua nhưng đến nay, những quan điểm, tư tưởng của V.I.Lênin vẫn là ngọn đuốc soi đường cho nhân loại tiến bộ hướng đến xây dựng một xã hội thật sự tốt đẹp mà ở đó con người được giải phóng triệt để, có cuộc sống tự do, hạnh phúc.

Với cách mạng Việt Nam, tư tưởng của V.I.Lênin không chỉ mở ra con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước mà còn soi sáng cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Đặc biệt, nhiều quan điểm của V.I.Lênin còn cung cấp cho chúng ta những luận cứ khoa học để đấu tranh phản bác các luận điểm sai trái, thù địch phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Một trong số đó phải đề cập đến quan điểm của V.I.Lênin về vai trò của chính trị với kinh tế đã trở thành cơ sở để đấu tranh chống lại các luận điểm phủ nhận kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa-mô hình kinh tế tổng quát ở Việt Nam hiện nay.

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được Đảng ta xác định là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Đây là bước đột phá trong tư duy lý luận của Đảng về phát triển kinh tế thời kỳ đổi mới vừa phù hợp xu thế chung của nhân loại, vừa căn cứ trên tình hình thực tiễn của Việt Nam.

Xoay chung quanh mô hình kinh tế này, các thế lực thù địch thường xuyên tuyên truyền những quan điểm sai trái, xuyên tạc, chẳng hạn như: Kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa như nước với lửa về bản chất là không thể kết hợp được với nhau, do đó Việt Nam xây dựng mô hình kinh tế này là sai lầm, ảo tưởng, trái quy luật; kinh tế thị trường ở Việt Nam về hình thức là chủ nghĩa xã hội nhưng thực chất đã đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, vì thế thành công của công cuộc đổi mới ở Việt Nam là thành công của kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa…

Những quan điểm này hướng đến đích cuối cùng là phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tuy nhiên, có thể thấy những quan điểm này là sự bịa đặt vô căn cứ.

Khi bàn đến mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và chính trị, V.I.Lênin khẳng định: “Chính trị là sự biểu hiện tập trung của kinh tế” (1), chính trị nảy sinh trên cơ sở kinh tế, phản ánh kinh tế, do kinh tế quyết định; nhưng ngược lại chính trị cũng có thể tác động trở lại kinh tế, nhất là chính trị giữ vai trò lãnh đạo, định hướng cho sự phát triển kinh tế. V.I.Lênin chỉ rõ: các giai cấp đấu tranh chính trị với nhau (đấu tranh để giành, giữ và sử dụng quyền lực nhà nước) trước hết là vì mục đích kinh tế, chỉ giai cấp nào nắm trong tay quyền lực chính trị mới có thể đề ra những chủ trương, đường lối, chính sách bảo vệ tối đa cho quyền, lợi ích của giai cấp mình mà đầu tiên là lợi ích kinh tế.

Bởi vậy, khi chưa có chính quyền trong tay, các giai cấp sẽ đấu tranh để giành chính quyền, khi đã có chính quyền, các giai cấp sẽ tìm mọi cách giữ chính quyền lâu nhất có thể và sử dụng chính quyền đó một cách hiệu quả định hướng cho sự phát triển kinh tế-xã hội để nhằm bảo vệ và phục vụ cho lợi ích của giai cấp mình. Từ đây, V.I.Lênin cũng khẳng định rằng bản thân giai cấp vô sản và nhân dân lao động muốn đấu tranh để tự giải phóng mình về mặt kinh tế thì trước hết phải giành cho được một số quyền chính trị nhất định. Do đó, theo V.I.Lênin: “Chính trị không thể không chiếm địa vị hàng đầu so với kinh tế” (2).

Cũng chính vì thế mà trên thực tế, không có một mô hình kinh tế nào trong bất kỳ chế độ xã hội nào kể từ khi xuất hiện giai cấp, nhà nước lại không chịu sự định hướng bởi một nền chính trị của một giai cấp nhất định trong xã hội và kinh tế thị trường cũng không phải là một ngoại lệ. Mặt khác, bản thân kinh tế hàng hóa vận hành theo cơ chế thị trường là thành tựu của nền văn minh nhân loại chứ không phải là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản, do đó dù là chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa tư bản đều có thể sử dụng kinh tế thị trường để thúc đẩy kinh tế phát triển.

Tất nhiên, cùng là kinh tế thị trường nhưng do được lãnh đạo, định hướng bởi những nền chính trị của các giai cấp cầm quyền khác nhau, nên về bản chất và mục tiêu phát triển của kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng khác nhau. Đó là một sự thật không gì có thể phủ nhận được.

Thực tế cho thấy: Trong kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, nhà nước tư sản can thiệp, điều tiết nền kinh tế chủ yếu là nhằm tạo điều kiện cho kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ theo những quy luật vốn có của nó, bảo đảm kinh tế tăng trưởng tối đa để phục vụ cho lợi ích của thiểu số giai cấp tư sản thống trị trong xã hội, bảo vệ chế độ áp bức, bóc lột tư bản chủ nghĩa dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất.

Tiến bộ và công bằng xã hội không phải là đích đến của kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa cho nên vấn đề thực hiện các chính sách phúc lợi xã hội, bảo vệ lợi ích cho người lao động chỉ được nhà nước tư sản đặt ra khi mặt trái của cơ chế thị trường làm cho xã hội phân hóa (giàu nghèo), mâu thuẫn xã hội (nhất là mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản với giai cấp công nhân và nhân dân lao động-biểu hiện xã hội của mâu thuẫn tất yếu về mặt kinh tế giữa lực lượng sản xuất đã đạt trình độ xã hội hóa cao với quan hệ sản xuất dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất) trở nên sâu sắc, gay gắt đe dọa sự thống trị của giai cấp tư sản.

Cũng chính vì các chủ trương, chính sách đưa ra chỉ nhằm xoa dịu, điều hòa mâu thuẫn tạm thời, tạo cơ sở cho chủ nghĩa tư bản tiếp tục phát triển mạnh mẽ chứ không giải quyết triệt để được mâu thuẫn, do đó nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa càng phát triển, càng phục vụ tốt hơn cho lợi ích của giai cấp tư sản thì lại càng chà đạp nhiều hơn lên lợi ích, quyền lợi của đa số nhân dân lao động, bởi thế nó lại càng không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có và tất yếu không thể tránh khỏi rơi vào các cuộc khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng.

Đây là hậu quả tất yếu “của một quá trình phát triển kinh tế-xã hội lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất ngày càng tăng làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội” (3) như Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã từng chỉ rõ.

Trái lại, trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản lãnh đạo, Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam quản lý, điều tiết nền kinh tế lại vì mục đích chính là nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các khuyết tật vốn có của cơ chế thị trường dễ làm nảy sinh các hiện tượng bất công, bất bình đẳng xã hội, phân hóa giàu nghèo…; quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội được chủ động giải quyết ngay từ đầu nhằm bảo đảm kết quả tăng trưởng kinh tế phục vụ cho lợi ích của tất cả các giai tầng trong xã hội, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân để không một ai bị bỏ lại phía sau.

“Gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển” (4) là một đặc trưng mang tính bản chất của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nó khác biệt hoàn toàn so với kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Cũng bởi thế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: chúng ta “không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”.

Ngược lại, “mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” (5).

Như vậy, về hình thức cùng là kinh tế thị trường nhưng khi nó được định hướng bởi những nền chính trị khác nhau thì bản chất và mục tiêu phát triển của nó cũng khác nhau. Rõ ràng, khác với kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa chủ yếu phục vụ và bảo vệ cho lợi ích của thiểu số giai cấp tư sản thống trị thì với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tăng trưởng kinh tế là nhằm hiện thực hóa những mục tiêu của chủ nghĩa xã hội: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Vì mục tiêu này mà trong những trường hợp cần thiết, Nhà nước có thể chủ động hy sinh những lợi ích kinh tế để bảo vệ quyền lợi cho nhân dân. Điều đó có thể rất rõ trong suốt hơn hai năm chống dịch Covid-19 vừa qua. Tại thời điểm dịch bùng phát, trong khi nhiều quốc gia còn đang băn khoăn giữa việc chọn lựa thực hiện các quy định giãn cách, phong tỏa, tạm thời đóng cửa… để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân hay tiếp tục những mục tiêu phát triển kinh tế mà bỏ lỡ thời cơ chống dịch thì ngay từ đầu, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã chủ động xác định và quyết tâm thực hiện mục tiêu: đặt sức khỏe và tính mạng của người dân lên hàng đầu, không hy sinh sức khỏe và tính mạng của người dân vì những lợi ích kinh tế trước mắt.

Thậm chí, chúng ta chấp nhận đánh đổi những lợi ích kinh tế ngắn hạn, trước mắt để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Nhờ đó, Việt Nam đã trở thành một trong những nước đi đầu thế giới về kiểm soát dịch bệnh, sớm đưa người dân quay về cuộc sống bình thường mới.

Có thể thấy, chính quan điểm của V.I.Lênin về vai trò của chính trị với kinh tế đã cung cấp cho chúng ta luận cứ khoa học để phản bác những quan điểm xuyên tạc về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Những thành tựu vượt bậc trong phát triển kinh tế-xã hội qua 35 năm đổi mới đất nước: kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao (khoảng 6%/năm), chính trị, xã hội ổn định, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt về mọi mặt (6); từ một nước có nền kinh tế kém phát triển, hiện nay Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trong ASEAN… là minh chứng rõ nét nhất cho sự thành công và tính ưu việt của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đó cũng là cơ sở để khẳng định mặc dù chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nhưng mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang xây dựng và hoàn thiện là lựa chọn tất yếu của lịch sử, phù hợp xu hướng phát triển chung của nhân loại, phù hợp thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.

 

(1) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2006, tập 42, tr.349.

(2) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2006, tập 42, tr.349.

(3), (4), (5) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Báo Nhân Dân, https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ve-chu-nghia-xa-hoi-va-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam - 646305/, ngày 1/8/2021.

(6) xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2021, tập 1, tr.20-21.