Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhằm quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị được tổ chức sáng 15-4. Đây là hội nghị toàn quốc đầu tiên để quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng.
Dự Hội nghị có các đồng chí: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Tham dự tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh (ảnh). Hội nghị được kết nối trực tuyến với các đảng bộ trực thuộc, các đảng bộ xã, phường trong toàn tỉnh.
Sau 17 năm triển khai Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, bên cạnh những thành tựu đạt được, đây vẫn là vùng trũng về phát triển và “lõi nghèo” của cả nước. Khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt của Nghị quyết số 11-NQ/TW, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, việc Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới về vùng sẽ mở đường cho chính sách mới và những cơ chế, chính sách này giúp thu hút nguồn lực để cho phát triển của vùng trong giai đoạn tới.
Tổng Bí thư yêu cầu các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương cần nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các tầng lớp cán bộ, đảng viên và nhân dân về những nội dung cốt lõi của Nghị quyết. Ngay sau Hội nghị này, các bộ ngành, địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết sát thực, với mục tiêu, giải pháp phù hợp, nhanh chóng đưa Nghị quyết vào cuộc sống, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước. Trong đó, đặc biệt quan tâm xây dựng thể chế, chính sách ưu tiên để phát triển vùng, phấn đấu xây dựng vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2045 là vùng phát triển xanh, bền vững, toàn diện, có sự liên kết chặt chẽ với các vùng kinh tế khác trong cả nước…
Trước đó, các đại biểu đã được quán triệt Nghị quyết số 11-NQ/TW và kế hoạch triển khai Nghị quyết này; thông tin về kết quả thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020.
Đối với Thái Nguyên, để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ theo tinh thần định hướng của Bộ Chính trị nêu trong Nghị quyết số 11-NQ/TW, tỉnh đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện thời gian tới là: Chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển hạ tầng giao thông với phát triển các hành lang kinh tế vùng; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thu hút các nguồn lực, nhà đầu tư, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp với các nhóm ngành điện, điện tử, cơ khí chế tạo để hình thành các chuỗi sản xuất công nghiệp trong vùng; đẩy mạnh cải cách hành chính và công tác chuyển đổi số…