ATK Thái Nguyên - Tầm nhìn chiến lược

09:36, 10/05/2022

Ngay sau khi trở về nước chỉ đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương xây dựng căn cứ địa cách mạng. Người chọn Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang để xây dựng An toàn khu (ATK) kháng chiến. Trong đó, ATK Thái Nguyên với vị trí trung tâm đã được xây dựng thành “Thủ đô kháng chiến” trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Sự lựa chọn này đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng.

Trong suốt những năm kháng chiến sau này, vị trí trung tâm của ATK Thái Nguyên được thể hiện rõ nét:

Thứ nhất, ATK Thái Nguyên - “Thủ đô kháng chiến”, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng ra nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của cả dân tộc.

Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan đầu não của Đảng đã di chuyển khỏi Hà Nội, về với ATK Việt Bắc. ATK Thái Nguyên là nơi đặt bản doanh của Trung ương Đảng, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng; nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quân đội, Mặt trận Liên Việt (nay là MTTQ Việt Nam) ở và làm việc trong thời kỳ kháng chiến.

Tại đây, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định nhiều chủ trương lớn, có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tiêu biểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ATK Thái Nguyên dự Hội nghị giao nhiệm vụ cho các đơn vị tham gia Chiến dịch Tây Bắc (do Bộ Tổng Tham mưu tổ chức); Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị bàn kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953-1954 và đặc biệt Người chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị nghe Tổng Quân ủy báo cáo Phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954; dự họp Bộ Chính trị thông qua Kế hoạch tác chiến mùa Xuân năm 1954 của Tổng Quân ủy và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thứ hai, ATK Thái Nguyên là nơi đón tiếp, gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam với đại biểu nước ngoài.

Có thể khẳng định, mối quan hệ thân thiện, hợp tác mở rộng giữa nước ta và các nước trên thế giới được bắt nguồn từ ATK Thái Nguyên trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1948, tại xã Phú Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng tiếp phái viên của đồng chí Chu Ân Lai bàn về việc phối hợp chiến đấu giúp đỡ nhau giữa quân đội cách mạng hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Tháng 4 năm 1949, lãnh đạo phong trào du kích Quảng Tây (Trung Quốc) đề nghị quân đội Việt Nam tiếp tục chiến đấu, giúp đỡ quân giải phóng Trung Quốc giải phóng khu Ung - Long - Khâm. ATK Thái Nguyên còn là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp, Đoàn điện ảnh Liên Xô, nhà đạo diễn nổi tiếng Cacsmen và nhiều nhà ngoại giao, nhà báo quốc tế...

Tháng 1 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật từ ATK Thái Nguyên sang thăm và làm việc với Trung Quốc và Liên Xô. Chuyến thăm đó đã mở ra thế phát triển mới cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta. Trung Quốc, Liên Xô và một loạt các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước ta.

Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã cử một số cán bộ sang Việt Nam, thường xuyên làm việc tại ATK Thái Nguyên, giúp đỡ Chính phủ ta về chính trị, quân sự, kinh tế, tài chính.

Tháng 9-1954, tại đồi Giang, xã Độc Lập (nay là xã Tiên Hội), huyện Đại Từ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận quốc thư của Đại sứ Trung Quốc La Quý Ba. Đây là Lễ nhận quốc thư đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thứ ba, ATK Thái Nguyên là nơi phát động các phong trào cách mạng, tổ chức và diễn ra các hoạt động quân sự có tính chất lịch sử của các lực lượng vũ trang nói chung.

Là ATK Trung ương, đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên (trực tiếp là huyện Định Hóa) sớm được hưởng nền tự do, dân chủ với những chính sách thực sự vì lợi ích của nhân dân. Tại ATK Thái Nguyên, bộ máy chính quyền các cấp từng bước được củng cố và kiện toàn, được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ.

Ở đây, các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, cơ quan Bộ Quốc phòng... được chia thành từng bộ phận nhỏ, thường xuyên di chuyển, hòa vào với nhân dân, được sự che chở của nhân dân, khiến địch khó có thể phát hiện. ATK Thái Nguyên là nơi đầu tiên thực hiện thí điểm các chính sách kinh tế, tài chính, đặc biệt là chính sách thuế nông nghiệp (tháng 5-1951) của Chính phủ, từng bước đem lại quyền lợi vật chất cho nhân dân các dân tộc.

Ngày 15/9/1941, Đội Cứu quốc quân II - một trong những lực lượng tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam đã ra đời tại rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá (Võ Nhai). Trên mảnh đất ATK Thái Nguyên, các binh đoàn chủ lực như: Đại đoàn 308 - quân tiên phong (thị trấn Đu, huyện Phú Lương), Trung đoàn 174, Trung đoàn Sông Lô, Trung đoàn Pháo phòng không 367 được thành lập trên cơ sở các quyết định từ Tổng hành dinh đóng ở Định Hóa và cũng đứng chân trên Thủ đô kháng chiến…

Với truyền thống cách mạng, ATK Thái Nguyên hôm nay đang phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội.

(Tiêu đề do Tòa soạn đặt).