Bảo vệ An toàn khu trong thời kỳ kháng chiến (*)

09:52, 16/05/2022

Với địa thế hiểm yếu, phong trào cách mạng vững chắc và các vùng căn cứ được xây dựng trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám, Việt Bắc trở thành nơi ở, làm việc của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành từ năm 1947 đến năm 1954. Do vậy, việc bảo vệ tuyệt đối an toàn cho ATK là nhiệm vụ quan trọng nhất của lực lượng Công an nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Nhận thức rõ vấn đề nguy hại nhất cho trật tự, an ninh vùng ATK Trung ương là hoạt động của mật thám, gián điệp và phản động, lực lượng Công an xác định công tác bảo vệ lãnh tụ, bảo vệ cơ quan Đảng, Nhà nước tại ATK có ý nghĩa chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt; không những bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến mà còn có tác dụng động viên rất lớn tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân.

Đây là nhiệm vụ trọng tâm để bảo vệ toàn diện căn cứ cách mạng. Một hệ thống trạm, đồn kiểm soát đã được bố trí xung quanh vị trí làm việc của các cơ quan đầu não kháng chiến để ngăn chặn những người không có nhiệm vụ đi lại tự do vào khu vực ATK; sàng lọc, phát hiện do thám, gián điệp lén lút xâm nhập vào cơ quan đầu não kháng chiến để thu thập tin tức tình báo.

Lực lượng Công an còn kết hợp với bộ phận bảo vệ cơ quan phát động phong trào “bảo mật phòng gian”, khẩu hiệu “3 không”, giữ gìn bí mật, xây dựng nội quy bảo vệ, nắm các mối quan hệ của cán bộ làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp để đề xuất với lãnh đạo và cấp uỷ điều chuyển những người có quan hệ phức tạp ra khỏi các bộ phận thiết yếu, cơ mật.

Cán bộ công an được phân công nhiệm vụ bảo vệ cơ quan lãnh đạo kháng chiến bám sát các đơn vị phổ biến cách thức phòng chống do thám, gián điệp địch. Tại các lán trại, cán bộ công an giám sát việc thực hiện công tác phòng không như đun nấu không khói, cách phơi quần áo, ngụy trang che phòng nơi ở tránh máy bay địch bắn phá.

Nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ ATK, cuối năm 1949, lực lượng Công an quyết định thành lập một đại đội vũ trang với tên gọi là Đại đội Độc lập thực hiện nhiệm vụ phối hợp với đơn vị Vệ quốc đoàn để bảo vệ khu vực trú đóng của cơ quan Trung ương, Chính phủ. Đại đội đã bố trí lực lượng, kiểm soát chặt chẽ ngả đường vào ATK nhằm ngăn chặn, phát hiện gián điệp, việt gian tìm cách thu thập tin tức, phá hoại, ám hại; ngăn chặn người không có nhiệm vụ vào ATK; xây dựng Đảng và các tổ chức quần chúng; tuyên truyền công tác giữ bí mật trong nhân dân để bảo vệ bí mật, an toàn các cơ quan, đơn vị, nhất là các cơ quan trong ATK.

Trên các tuyến đường ra vào khu ATK Trung ương, lực lượng Công an phối hợp đặt các trạm gác, vừa làm nhiệm vụ kiểm soát người và phương tiện qua lại, vừa làm nhiệm vụ cảnh giới máy bay địch; đồng thời tiến hành kiểm tra hành chính ở ven các trục đường giao thông để phát hiện kẻ gian, người lạ mặt; quản lý chặt chẽ những người làm nghề tự do, quán nước, nhà trọ nằm hai bên đường giao thông.

Tại các cơ quan, kho tàng, Công an phối hợp với quân đội tổ chức kiểm tra, thuần khiết nội bộ, lựa chọn những người có lý lịch trong sạch làm công tác quản lý, bảo vệ. Các đồn, trạm công an phối hợp với bộ đội, dân quân du kích thiết lập vành đai bảo vệ vòng ngoài, thường xuyên tuần tra canh gác xung quanh khu vực ATK Trung ương, kịp thời phát hiện hoạt động phá hoại và phòng, chống cháy nổ.

Bên cạnh đó, lực lượng trật tự xã được chú trọng xây dựng làm nòng cốt cho công tác bảo vệ, góp phần vô hiệu hoá mọi âm mưu và hoạt động tình báo, gián điệp, chỉ điểm phá hoại của địch. Hệ thống tổ chức trật tự xã (từ năm 1948 là công an xã) chủ yếu được xây dựng quanh khu vực cửa ngõ ATK và những nơi có các cơ quan, xí nghiệp, quân đội đóng.

Nhiều trật tự xã đi sâu vận động nhân dân thực hiện phong trào “Phòng gian bảo mật”, khẩu hiệu “3 không”. Phong trào được tuyên truyền sâu rộng và trở thành ý thức thường trực không những với nhân viên cơ quan mà còn đối với tất cả người dân trong vùng. Lực lượng Công an làm nhiệm vụ tổ chức, hướng dẫn cho quần chúng tham gia, giám sát, phát hiện người lạ mặt, những hoạt động nghi vấn. Các cơ sở quần chúng này thực sự là những trạm gác kín đáo, trực tiếp bảo vệ khu vực và những đầu mối giao thông quan trọng, tạo thành mạng lưới an ninh nhân dân rộng khắp.

Khi thực dân Pháp mở cuộc tấn công lên căn cứ địa Việt Bắc, đội công an xung phong các tỉnh thuộc vùng căn cứ địa cùng lực lượng quân sự đã trực tiếp chiến đấu chặn bước tiến của địch.

Tại các xã xung quanh căn cứ, trinh sát chính trị vận động đồng bào nổi dậy phá tề, phá chính quyền cơ sở địch, tổ chức trừ gian, phá giao thông, làm cho giặc Pháp phải dàn mỏng lực lượng để đối phó; đồng thời phối hợp với lực lượng vũ trang trấn áp mạnh phản động lợi dụng tôn giáo và dân tộc; quét vét tay sai chỉ điểm, tội phạm hình sự. Giải quyết tình hình phức tạp về trật tự, trị an đến đâu, lực lượng Công an vận động củng cố ngay phong trào “Bảo mật phòng gian”, ngăn chặn các đối tượng phản động hoạt động trở lại. Hoạt động vũ trang của lực lượng Công an đã góp phần cùng bộ đội chủ lực giam chân quân Pháp tại chỗ, làm giảm áp lực cho chiến trường Việt Bắc.

Những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng Công an đã khám phá, bóc gỡ nhiều cơ sở gián điệp cài lại của địch, phá tan các tổ chức phản động, chặn đứng các hoạt động phá hoại của phỉ, giữ vững trật tự, trị an vùng ATK.

(*) Đầu đề do Toà soạn đặt.