Công tác lịch sử Đảng: Nối quá khứ với hiện tại

08:56, 21/05/2022

Nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng nhằm tái hiện bức tranh phong phú, sinh động của quá trình hoạt động, lãnh đạo cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ. Việc làm tốt công tác này còn góp phần tổng kết kinh nghiệm lịch sử, khái quát lý luận, cung cấp luận cứ cho việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở thời điểm hiện tại và tương lai. Do đó, công tác lịch sử Đảng đã, đang được cấp ủy đảng các cấp trong tỉnh coi là nhiệm vụ quan trọng, được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc.

Trong những năm qua, cấp ủy, tổ chức đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chỉnh lý, biên soạn bổ sung, xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở đó, mỗi năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức nhiều hội đồng cấp tỉnh để thẩm định bản thảo lịch sử đảng bộ cấp huyện, xã và lịch sử truyền thống các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh; thẩm định nhân vật lịch sử là người hoạt động cách mạng…

Thông qua hoạt động thẩm định của cơ quan có thẩm quyền, các chuyên gia, nhân chứng, tài liệu, chứng tích được củng cố, làm rõ nên các công trình khoa học lịch sử của tỉnh được công bố đều đảm bảo tính đảng và khoa học, tạo nên mối quan hệ chặt chẽ giữa lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, lịch sử dân tộc và lịch sử các đảng bộ địa phương, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.

Căn cứ theo kế hoạch hàng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên đã chỉ đạo, định hướng nội dung tuyên truyền lịch sử đối với ban tuyên giáo, tuyên huấn các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy và đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, các cơ quan báo chí của tỉnh. Để đa dạng, phong phú về hình thức tuyên truyền lịch sử, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với các cơ quan báo chí của tỉnh đăng, phát nhiều tin, bài về nội dung này.

Đơn cử như Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng kịch bản, tổ chức ghi hình gameshow “Dân ta phải biết sử ta”. Chương trình này đã tạo sân chơi sinh động để các em học sinh THPT thể hiện sự hiểu biết, trí thông minh và tình yêu với lịch sử dân tộc, lịch sử tỉnh Thái Nguyên, tăng cường tuyên truyền, lan tỏa kiến thức lịch sử trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên.

Đồng chí Nguyễn Thị Hoa, Trưởng phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng, Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy, cho biết: Công tác lịch sử Đảng được tỉnh và các địa phương rất quan tâm. Hội đồng thẩm định cấp tỉnh, cấp huyện làm việc nghiêm túc, hiệu quả nên các cuốn sách lịch sử xuất bản đều đáp ứng được yêu cầu cao về chuyên môn, có giá trị, ý nghĩa lớn trong giáo dục truyền thống cách mạng.

Riêng Trường Chính trị tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị 9/9 huyện, thành, thị trong tỉnh đã quan tâm đến nội dung lịch sử khi yêu cầu giảng viên giảng dạy chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính, các lớp giáo dục chính trị có liên hệ tình hình thực tế vào mỗi bài giảng. Trong đó, thông qua các lớp học, đã có gần 7.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức được giáo dục về lịch sử đảng bộ của các địa phương, đơn vị trong tỉnh; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức lịch sử cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đã lồng ghép nội dung giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử địa phương vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo đưa nội dung giáo dục lịch sử địa phương vào giảng dạy tại các nhà trường; tuyên truyền lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống cách mạng cho giáo viên và học sinh thông qua nhiều hình thức, như: Giảng dạy chính khóa, hoạt động giáo dục ngoài giờ, hoạt động trải nghiệm sáng tạo.                       

Để thực hiện tốt công tác lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, cấp ủy các cấp sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của địa phương, đơn vị thu hút các nhà khoa học lịch sử, nhân chứng lịch sử, cán bộ chủ chốt tham gia. Từ những giá trị khoa học và thực tiễn của các công trình lịch sử sẽ góp phần làm sáng tỏ hơn sự ra đời và phát triển của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên nói chung, đảng bộ các địa phương nói riêng; đúc kết nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng qua các thời kỳ để phụng sự nhiệm vụ hiện tại và các nhiệm kỳ tiếp theo.

Thái Nguyên hiện có 19/42 sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đã xuất bản cuốn sách lịch sử truyền thống đến năm 2010. 9/9 huyện, thành, thị của tỉnh đã hoàn thành việc biên soạn, bổ sung, tái bản lịch sử Đảng bộ đến năm 2015 và năm 2020. 159/178 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương.