Điều kiện căn cốt giúp Định Hóa được Trung ương Đảng lựa chọn để xây dựng An toàn khu

17:55, 09/05/2022

L.T.S: Cách đây 75 năm, ngày 20/5/1947, Bác Hồ về ATK Định Hoá cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đây là sự kiện có giá trị lịch sử to lớn, ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau. Hướng tới kỷ niệm sự kiện quan trọng này, từ hôm nay (9-5), Báo Thái Nguyên mở chuyên mục trên cả báo in và báo điện tử, lựa chọn lược đăng một số bài viết của các nhà sử học, nhà khoa học, nhà báo về sự kiện này. Đây là những bài viết dự kiến sẽ tham luận tại Hội thảo khoa học “Thái Nguyên-Một chặng đường” do tỉnh Thái Nguyên tổ chức tới đây.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, vấn đề cấp thiết cần tập trung giải quyết kịp thời là cứu đói. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch về phát huy tuyền thống tương thân, tương ái, Thái Nguyên đã chỉ đạo thành lập ban cứu tế ở các xã và Hội Tế bần ở thị xã, vận động các gia đình lập “Hũ gạo tiết kiệm”.

Chỉ trong một thời gian ngắn, tỉnh đã huy động được 150 tấn gạo, ngô, khoai, sắn do nhân dân quyên góp để giúp đỡ các gia đình đặc biệt khó khăn, nhờ đó nạn đói từng bước được đẩy lùi. Cùng với đó, để khắc phục khó khăn về tài chính, hưởng ứng chủ trương của Chính phủ về việc thực hiện “Tuần lễ vàng” và thành lập “Quỹ độc lập”, tỉnh Thái Nguyên đã huy động được 5kg vàng, hàng vạn đồng tiền mặt để góp phần cùng cả nước thực hiện “Kháng chiến, kiến quốc”.

Trên mặt trận chống “giặc dốt”, hàng vạn người dân tỉnh Thái Nguyên đã tích cực tham gia các lớp “bình dân học vụ”, với tinh thần “người biết dạy người chưa biết, người biết nhiều dạy người biết ít”. Vì vậy trong vòng 4 tháng (10/1945 đến tháng 2/1946) đã có 5 nghìn người dân trong tỉnh thoát nạn mù chữ.

Không chỉ giải quyết nạn đói, nạn dốt và chống thù trong giặc ngoài, việc củng cố chính quyền cách mạng các cấp được khẩn trương thực hiện. Đến cuối tháng 9-1945, Uỷ ban nhân dân lâm thời được thành lập ở các huyện, xã trong tỉnh. Đến tháng 5-1946, tất cả các xã đã xây dựng được lực lượng tự vệ chiến đấu. Các huyện phía Nam đã xây dựng được các đội du kích với 300 người tham gia.

Ngày 15/4/1947, Ban Chỉ huy tỉnh đội bộ dân quân tỉnh Thái Nguyên được thành lập do đồng chí Lê Văn Lương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Tỉnh đội trưởng kiêm Chính trị viên. Tiếp sau đó, Ban chỉ huy các huyện đội bộ dân quân, xã đội bộ dân quân cũng lần lượt được thành lập.

Kháng chiến toàn quốc đến gần, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về tiêu thổ kháng chiến, Thái Nguyên đã thành lập Ban phá hoại, chỉ đạo công tác phá hoại các công trình giao thông, nhà ở, để quân pháp không thể sử dụng trong quá trình tiến quân. Đồng thời, tỉnh cũng chỉ đạo nhân dân dân đón 12.000 đồng bào từ các tỉnh có chiến sự tản cư đến Thái Nguyên. Những nỗ lực chuẩn bị của quân dân Thái Nguyên nêu trên là điều kiện căn cốt để Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch lựa chọn nơi đây là một trong những địa phương xây dựng An toàn khu Trung ương của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho đồng chí Phạm Văn Đồng và một số đồng chí khác ở lại Việt Bắc thêm một thời gian để củng cố căn cứ địa cách mạng. Cuối tháng 10-1946, Người lại cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng trở lại Việt Bắc chuẩn bị căn cứ địa kháng chiến.

Đầu tháng 11-1946, Trung ương Đảng quyết định lập Đội công tác đặc biệt, do đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách, chuyên nghiên cứu đường di chuyển và chọn địa điểm an toàn đặt cơ quan Trung ương. Từ tháng 12-1946, một số cán bộ của Đội công tác đặc biệt đã lên Việt Bắc. Sau một thời gian khảo sát chuẩn bị, Đội quyết định lựa chọn các huyện Định Hóa, Đại Từ (Thái Nguyên); Chợ Đồn (Bắc Kạn); Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang), mà trung tâm là Định Hóa, Chợ Đồn, Sơn Dương làm nơi xây dựng An toàn khu Trung ương (ATK), là “Thủ đô kháng chiến”. ATK Định hóa ra đời trong bối cảnh như vậy.

Định Hóa nằm ở Tây Bắc tỉnh Thái Nguyên. Đây là trung tâm của căn cứ địa, có cơ sở cách mạng vững chắc từ trước ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám. Định Hóa có truyền thống bất khuất chống giặc ngoại xâm từ lâu đời. Nhân dân Định Hóa đã góp phần cùng quân dân cả nước trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của quốc gia phong kiến độc lập.

Khi thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kì, nhân dân Định Hóa đã tham gia các lực lượng khởi nghĩa chống Pháp. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Định Hóa là nơi có nhiều đảng viên hoạt động, gây dựng cơ sở cách mạng. Từ cuối những năm 30 đến đầu những năm 40 của thế kỉ XX, nhiều cơ sở cách mạng được thành lập ở các xã Bảo Cường, Bình Trung (Định Biên), Bình Yên, Phú Đình, Phúc Chu. Từ khi Chiến khu Hoàng Hoa Thám ra đời (năm 1943), phong trào cách mạng ở Định Hóa phát triển mạnh mẽ.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), Định Hóa là một trong những nơi giành chính quyền sớm nhất tỉnh Thái Nguyên (28/3/1945). Sau khi giành được chính quyền ở huyện Định Hóa, Tổng bộ Việt Minh đã phân công cán bộ trực tiếp xây dựng Ủy ban Việt Minh các cấp trong huyện. Trong những ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám, cán bộ Trung ương tiếp tục tăng cường cho Định hóa. Chính vì vậy, trước khi cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ, Định Hóa đã có chính quyền cơ sở và các tổ chức đoàn thể được kiện toàn, lực lượng vũ trang và nửa vũ trang được xây dựng và củng cố. Đây là những điều kiện cần và đủ để Trung ương lựa chọn Định Hóa xây dựng An toàn khu của cuộc kháng chiến.