Hoạt động đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Định Hoá (*)

07:18, 11/05/2022

Tại ATK Định Hoá, trong tình thế cách mạng bị bao vây cô lập, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp gặp muôn vàn khó khăn, Bác Hồ đã có những hoạt động ngoại giao quan trọng như: làm việc với Chính phủ kháng chiến Lào và Mặt trận Lào yêu nước, đoàn cố vấn Trung Quốc; đại diện các Đảng Cộng sản Pháp, Thái Lan, Liên Xô… Với trọng trách là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã chỉ đạo và trực tiếp thực hiện có kết quả nhiều hoạt động đối ngoại.

Một trong những kết quả đó là Người đã tranh thủ các khả năng hòa bình với Pháp và chủ động tiến công trên mặt trận ngoại giao, vận động nhân dân Pháp và nhân dân thế giới chống chiến tranh xâm lược.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng thực hiện các hoạt động ngoại giao để tranh thủ và vận động dư luận Pháp. Người thường gửi thư, thông điệp tới nhân dân Pháp làm rõ lập trường về cuộc xung đột Việt - Pháp, kêu gọi nhân dân Pháp hành động đòi Chính phủ Pháp chấm dứt cuộc xâm lược.

Từ tháng 12-1946  đến 3-1947, Bác Hồ đã 8 lần gửi thư cho Chính phủ, Quốc hội và Tổng thống Pháp, đề nghị hòa bình: “Chúng tôi muốn hòa bình ngay để máu người Pháp và Việt ngừng chảy. Những dòng máu đó, chúng tôi đều quý như nhau”. Người cũng luôn tận dụng mọi cơ hội để gặp gỡ phóng viên nước ngoài nhằm làm cho dư luận hiểu vấn đề Việt Nam, khẳng định lại chủ trương của Việt Nam hợp tác với Pháp.

Cuộc chiến tranh ngày càng mở rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động trao đổi với các quan chức, chính giới Pháp như Paul Mus - cố vấn chính trị của Cao ủy Bollaert (5-1947) tại Thái Nguyên; gửi thư cho tướng Salan - Tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương và nhờ chuyển thư cho Léon Blum - lãnh tụ Đảng Xã hội Pháp (giữa năm 1947).

Các hoạt động của Người đã nêu rõ quan điểm của Chính phủ và nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình và muốn có quan hệ tốt với nhân dân Pháp, phân rõ thiệt hơn về cuộc chiến Việt - Pháp, phê phán nghiêm khắc những điều kiện đồng nghĩa với đầu hàng mà chính quyền Pháp nêu ra. Trước những hoạt động của Bác, đầu tháng 8-1947, Léon Blum đã tuyên bố trên báo Pháp: “Tôi đã nhận được theo đường chính thức một thư riêng của ông (Chủ tịch Hồ Chí Minh). Ông vẫn là đại diện chân chính và xứng đáng của nhân dân Việt Nam... Đã có ánh sáng ở Đông Dương” .

Trong hoàn cảnh mới, Trung ương Đảng và Bác đã đề ra chủ trương lợi dụng mâu thuẫn giữa các bên đối phương có mặt ở nước ta. Sau chiến dịch Thu - Đông năm 1947 của Pháp, Chính phủ ta đã công bố Sách Trắng về thất bại nặng nề của Pháp để tác động vào dư luận Pháp và quốc tế. Ngày 19/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa tuyên bố với nhân dân Việt Nam và nhân dân Pháp: “Nhân dân Việt Nam… quyết kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng nếu Chính phủ Pháp muốn… giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình, thì nhân dân và Chính phủ nước Việt Nam… sẵn sàng nói chuyện”.

Tuyên bố của Người gây tiếng vang lớn, nhất là ở Pháp. Các đoàn thể, quần chúng, thương binh từ chiến trường trở về và nhiều nhà chính trị Pháp đã sôi nổi đòi Chính phủ Laniel phải đàm phán với Chính phủ Hồ Chí Minh với các khẩu hiệu “Hoà bình ở Việt Nam”, “Điều đình với Chính phủ Hồ Chí Minh” và “Chúng tôi là nạn nhân chiến tranh ở Việt Nam”.

Ngoài ra, hoạt động ngoại giao của Người trên đất ATK đã hình thành liên minh chiến đấu, đẩy mạnh giúp đỡ cuộc kháng chiến của nhân dân Lào và Campuchia. Nhận thức rõ tầm quan trọng của sự đoàn kết giữa nhân dân ba nước Đông Dương trong hình thành liên minh kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đoàn kết chặt chẽ ba dân tộc.

Với bạn Lào, những hoạt động ngoại giao của Người giai đoạn này đã thể hiện sự quan tâm, chú ý tới các mối quan hệ cá nhân với lãnh đạo kháng chiến Lào. Từ cuối năm 1947, dưới sự chỉ đạo của Người, Việt Nam đã cử một số cán bộ chiến sĩ sang giúp lực lượng kháng chiến Lào hoạt động tuyên truyền vũ trang. Cuối năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đón Hoàng thân Xuphanuvông, lãnh tụ kháng chiến Lào từ Thái Lan về Việt Bắc. Hai nhà lãnh đạo đánh giá tình hình và bàn phương hướng phối hợp đẩy mạnh cuộc kháng chiến của hai dân tộc. Sau đó, Hoàng thân nhiều lần quay trở lại Việt Bắc, làm việc và trao đổi thư từ với Bác.

Với bạn Campuchia, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc xây dựng mối quan hệ và phối hợp chiến đấu giữa nhân dân hai nước. Trong thư trả lời Chủ tịch Chính phủ Campuchia giải phóng kêu gọi sự giúp đỡ của nhân dân Việt Nam ngày 12/12/1947, Người khẳng định: “Các dân tộc ta, đã sẵn có một tinh thần tranh đấu cao, lại gắng đi tới một sự cộng tác chặt chẽ, thì thắng lợi thế nào cũng về ta, và chúng ta nhất định sẽ giành được độc lập”.

Đầu tháng 2-1948, khi làm việc với đoàn cán bộ Nam Bộ, Bác đã yêu cầu phái đoàn báo cáo về những chủ trương và hoạt động cụ thể của Xứ ủy Nam Bộ để phối hợp với lực lượng kháng chiến Campuchia.

Trong quá trình đấu tranh, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giáo dục tinh thần quốc tế cho các cán bộ, chiến sĩ. Những hoạt động tích cực của Bác đã góp phần hình thành mặt trận ba dân tộc Việt - Miên - Lào, trở thành biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết chiến đấu của nhân dân ba nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến thắng quân sự và đấu tranh ngoại giao của Việt Nam trong những năm tiếp theo.

(*) Đầu đề do Toà soạn đặt.