Ngày 5-5, đồng chí Đoàn Thị Hảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào dự án Luật Thực hiện dân chủ (DC) ở cơ sở. Đây là một trong 6 dự án luật sẽ được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV sắp tới.
Dự án Luật Thực hiện DC ở cơ sở gồm 7 chương, 74 điều, trong đó, bổ sung nhiều điểm mới như: Luật hóa quy định về thực hiện DC ở cơ sở (bao gồm xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; doanh nghiệp); quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện DC ở cơ sở…
Dự thảo Luật được xây dựng nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về DC tại cơ sở và hoàn thiện pháp luật về thực hiện DC ở cơ sở, bảo đảm quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân, Nhân dân là người chủ của đất nước...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu 13 ý kiến phát biểu trực tiếp tham gia vào dự thảo Luật, chủ yếu đề xuất về những vấn đề: Dự án Luật cần quy định một chương riêng về nội dung, cách thức thực hiện DC tại các loại hình doanh nghiệp, trong đó quy định một số đặc thù đối với doanh nghiệp Nhà nước; tại khoản 1 điều 3 về nguyên tắc thực hiện DC tại cơ sở cần bổ sung nội dung “thực hiện đầy đủ phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra...”. Các đại biểu cũng nêu ý kiến đồng tình, khẳng định việc nghiên cứu xây dựng ban hành Luật thực hiện DC ở cơ sở là rất cần thiết, góp phần giảm mâu thuẫn tại cơ sở; việc thực hiện DC tại doanh nghiệp góp phần đảm bảo hài hòa quyền lợi, nghĩa vụ giữa người sử dụng lao động và người lao động...
Tất cả các ý kiến đóng góp của đại biểu được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu, tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban soạn thảo theo quy định.