Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm gắn bó và sự quan tâm đặc biệt với tỉnh Thái Nguyên. Bác đã ở và làm việc tại ATK Định Hóa lãnh đạo đất nước trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Từ khi Trung ương Đảng và Chính phủ chuyển về Hà Nội, Bác đã 7 lần trở lại thăm Thái Nguyên. Trong những lần về thăm, Bác đã đi nhiều nơi, căn dặn nhiều điều. Đến hôm nay, những lời dạy của Bác vẫn âm vang trên vùng đất Thủ đô gió ngàn, trở thành niềm vinh dự, tự hào, nguồn cổ vũ tinh thần to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên.
Năm xưa, mỗi lần về thăm Thái Nguyên, tuy thời gian hạn hẹp nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đều cố gắng đi thật nhiều nơi, gặp nhiều người, nhiều tầng lớp để tìm hiểu về các mặt đời sống, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, công nhân, nông dân. Và Người cũng đã căn dặn nhiều điều đối với cán bộ, đảng viên cùng đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Khắc ghi lời Bác dạy, đầu những năm 1960, trên 2,2 vạn cán bộ, công nhân đã biến một vùng đồi núi hoang vu thành Khu Gang thép đồ sộ - chiếc nôi của ngành công nghiệp luyện gang Việt Nam. Cùng với Khu Gang thép, Thái Nguyên còn có Nhà máy điện Cao Ngạn, Mỏ than Quán Triều, Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ… Tiếng máy chạy, ánh sáng lò cao và khí thế lao động sản xuất bừng sáng một vùng núi rừng Việt Bắc.
Trên các cánh đồng từ Hùng Sơn (Đại Từ) - nơi được đón Bác hai lần về thăm, đến Tân Tiến (Phổ Yên) và nhiều nơi khác ở Thái Nguyên, bà con nông dân thực hiện tốt phong trào hợp tác hóa, liên tục sản xuất được mùa, đời sống ngày càng no ấm hơn.
Đặc biệt, ngày 1/1/1964, tại sân vận động Thái Nguyên, 4,5 vạn cán bộ, đồng bào trong tỉnh cùng công nhân Khu Gang thép dự mít tinh tại đây vui mừng được đón Bác Hồ và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về thăm. Bác đã biểu dương thành tích và Người cũng nhắc nhở, căn dặn đồng bào Thái Nguyên thật ân cần, thiết tha. Nhưng đây cũng là lần cuối cùng Bác về Thái Nguyên trước lúc Người đi xa mãi mãi.
Kể từ lần cuối được đón Bác về thăm đến nay đã gần 60 năm, nhưng những lời căn dặn của Người vẫn luôn vẹn nguyên giá trị và là động lực để cán bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh nỗ lực phấn đấu dựng xây, tạo cho mảnh đất quê hương cách mạng Thái Nguyên thêm nhiều đổi thay tích cực trên tất cả các mặt: Kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng...
Nhân dân Thái Nguyên mãi mãi ghi nhớ lời căn dặn của Người: “Toàn thể đồng bào và cán bộ phải ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta”, để sáng mãi địa danh An toàn khu - Thủ đô kháng chiến. Từ một tỉnh nghèo, kinh tế chậm phát triển, Thái Nguyên đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh có bước phát triển nhanh trong khu vực và cả nước.
Những năm gần đây, kinh tế - xã hội của tỉnh liên tục phát triển, kết quả thực hiện các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và XX đề ra; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh và bứt phá trong lĩnh vực công nghiệp.
Riêng năm 2021 - một năm đặc biệt, Thái Nguyên cũng như các địa phương khác trong cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhưng với sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng sự đoàn kết, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện “mục tiêu kép”, tỉnh vẫn đạt được những kết quả tích cực trong tất cả các lĩnh vực, như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,51%, tuy thấp hơn kế hoạch đề ra (7%) nhưng cao hơn nhiều so với năm 2020; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 460 nghìn tấn, vượt 6,1% kế hoạch; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 844 nghìn tỷ đồng, bằng 100,38% kế hoạch; tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt trên 28,8 tỷ USD, vượt 2,4% kế hoạch...
Những kết quả quan trọng này tạo đà cho tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo.
Cùng với đó, công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh giảm bình quân 2,06%/năm. Hệ thống giáo dục - đào tạo ngày càng phát triển, 100% đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn trở lên. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giám sát, phòng chống dịch bệnh được coi trọng và có nhiều tiến bộ…
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của Đảng bộ tỉnh ngày càng được tăng cường và có nhiều chuyển biển mạnh mẽ. Trong đó đặc biệt coi trọng công tác chính trị tư tưởng; tạo sự đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng; phát huy dân chủ, trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong phòng, chống tham nhũng…
Thực hiện chỉ thị của Trung ương về học tập và làm theo Bác, những năm qua, Thái Nguyên đã có hàng nghìn tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
Nhiều tấm gương điển hình, mô hình sáng tạo, hiệu quả trong các ngành, lĩnh vực đã và đang tạo sức lan tỏa rộng rãi, góp phần cổ vũ, động viên đông đảo các tầng lớp nhân dân cùng nỗ lực phấn đấu, đóng góp xây dựng quê hương Thái Nguyên ngày càng giàu đẹp…
Những thành quả đạt được đã khẳng định sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đó cũng chính là nền tảng, tiền đề vững chắc để Thái Nguyên tiếp tục vươn lên mạnh mẽ hơn, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030, theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020-2025) đề ra.
Thái Nguyên hôm nay đang tiếp tục chuyển mình mạnh mẽ trên con đường cùng cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội đã được Đảng và Bác Hồ lựa chọn. Những lời dạy của Bác mãi âm vang trên Thủ đô gió ngàn, trong trái tim triệu người con đất Thái. Tâm nguyện của Người đang được hiện thực hóa trên mảnh đất này, từ trong mỗi việc làm, công trình, thành tựu hiện hữu hôm nay. Và trong cả tương lai…