ATK Định Hóa là nơi ở, làm việc và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham mưu. Những tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chung và xây dựng ATK nói riêng luôn là định hướng, kim chỉ nam cho Bộ Tổng Tham mưu xây dựng, trưởng thành và phát triển.
Là lãnh tụ của cách mạng và linh hồn của cuộc kháng chiến, trực tiếp chỉ đạo tổ chức, xây dựng Bộ Tổng Tham mưu, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự trưởng thành và phát triển của Bộ Tổng Tham mưu. Sự quan tâm chỉ đạo của Người đối với Bộ Tổng Tham mưu rất cụ thể ngay từ những ngày đầu thành lập; vạch ra chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tổng Tham mưu; chỉ ra con đường cho Bộ Tổng Tham mưu vượt qua khó khăn, phát triển. Chính những tư tưởng quân sự của Người đã trở thành phương hướng, phương châm chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu trong mọi hoạt động.
Theo tư tưởng của Người, căn cứ địa phải là nơi có địa thế chiến lược để “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”, có đường giao thông liên lạc thuận tiện cả trong nước và quốc tế. Thái Nguyên vừa ở vị trí tiếp nối giữa vùng châu thổ sông Hồng với miền núi phía Bắc, vừa ở vào vị trí trung tâm căn cứ địa. Từ đây có thể cơ động khắp miền trung du xuôi xuống Hà Nội, lên Tây Bắc hay xuống duyên hải Đông Bắc Bộ. ATK có hệ thống mạng lưới đường mòn tỏa đi các tỉnh khác trong căn cứ địa Việt Bắc thuận lợi cho việc tiếp tế, đảm bảo sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ mau chóng đến các địa phương, song lại gây trở ngại lớn cho việc hành quân cơ giới của địch. Nhờ đó, hình thành nên thế chân kiềng với nhiều lợi thế, thuận tiện cho việc thay đổi nơi ở, nơi làm việc, chặng đường di chuyển lại không quá xa, luôn đảm bảo kịp thời cho sự lãnh đạo, chỉ đạo quân dân ta trong cuộc kháng chiến.
Đồng thời, đồng bào các dân tộc nơi đây mang đầy đủ bản sắc tốt đẹp là: Anh dũng, kiên cường, không chịu khuất phục một sức mạnh nào; thật thà, chất phác, thủy chung... Nhất là khi được Đảng tuyên truyền, giác ngộ thì truyền thống ấy được nhân lên gấp bội. Là nơi có điều kiện để tự cấp, tự túc, đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu về hậu cần tại chỗ cho căn cứ. Chính nhờ điều kiện tự nhiên và truyền thống cần cù trong lao động của nhân dân các dân tộc, Thái Nguyên có thể tự cung, tự cấp kinh tế trong điều kiện hoạt động bí mật. Đây là địa bàn mà địch khó có thể tập trung lực lượng để đàn áp trên phạm vi toàn tỉnh.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng Tham mưu đã nắm chắc, nghiên cứu kỹ và phân tích, đánh giá sát, đúng tình hình địch, ta, tương quan so sánh thế và lực trên chiến trường, tham mưu và đề xuất với Đảng, Chính phủ các chủ trương, chiến lược, kế hoạch quân sự. Đồng thời, trực tiếp vận dụng sáng tạo đường lối đó vào điều kiện cụ thể cuộc kháng chiến để tổ chức, quản lý, chỉ đạo, chỉ huy, hiệp đồng, phối hợp tác chiến của các lực lượng vũ trang, giữa các chiến trường, bày mưu tính kế, tạo thế, tạo lực, tiến hành chiến tranh nhân dân, xây dựng và huấn luyện lực lượng vũ trang, quân đội...
Đặc biệt, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nghiên cứu xây dựng căn cứ địa, chỉ huy, điều hành lực lượng vũ trang, tác chiến và huấn luyện... đã trở thành nền tảng tư tưởng, nghệ thuật quân sự và là kim chỉ nam cho hành động của Bộ Tổng Tham mưu.
Cũng trong những năm tháng kháng chiến đầy khó khăn gian khổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở Bộ Tổng Tham mưu “Cần phải tránh những khuyết điểm như ham đánh to, ăn to, chủ quan khinh địch, tự kiêu tự mãn, tổ chức quá kềnh càng, ham chuộng hình thức, cán bộ chưa biết thương yêu chiến sĩ như anh em ruột thịt; phải kiên quyết phản đối xu hướng sai lầm làm cho các cơ quan phình lên; phải có kế hoạch chung về việc xây dựng và bổ sung bộ đội; tăng cường và cải thiện dần dần việc trang bị cho bộ đội...” .
Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng Tham mưu đã nhanh chóng xây dựng, trưởng thành, phát triển về mọi mặt; hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ là cơ quan tham mưu chiến lược quân sự, quốc phòng của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, vừa chủ động sáng tạo trong chỉ huy, hiệp đồng chiến đấu của các lực lượng vũ trang, giành thắng lợi trong các chiến dịch, hoạt động tác chiến, tạo bước ngoặt quyết định trên các hướng chiến lược và chiến trường cả nước. Tiêu biểu là Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông (1947); Chiến dịch Biên giới (1950); Chiến dịch Hòa Bình (1951); Chiến dịch Tây Bắc (1952); Chiến dịch Thượng Lào (1953) cho đến Chiến dịch Đông - Xuân (1953-1954) mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ (từ tháng 3 đến tháng 5-1954) giành thắng lợi, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Những kết quả đó là nền tảng được Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục phát triển lên tầm cao mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần cùng nhân dân tạo ra sức mạnh tổng hợp đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
(*) Đầu đề do Toà soạn đặt