Đa dạng hóa hình thức giáo dục truyền thống lịch sử

07:40, 04/06/2022

Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, mỗi di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện Đại Từ đều gắn liền với truyền thống vẻ vang của dân tộc. Gần 170 di tích lịch sử là những minh chứng, tư liệu sống động về quê hương Đại Từ 100 năm tuổi. Với ý nghĩa đó, việc tìm hiểu, tái hiện và lan tỏa tình yêu với lịch sử… là cách làm đang được địa phương này triển khai nhằm truyền thụ, bồi đắp thêm tình yêu, niềm tự hào về quê hương cho các thế hệ.

Hội thi “Em yêu lịch sử quê hương” do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đại Từ tổ chức vừa kết thúc mới đây đã để lại nhiều ấn tượng đối với khán giả và các em học sinh tham gia. Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thông tin: Hội thi có 5 đội với 25 học sinh đến từ các trường học trên địa bàn huyện tham gia. Các đội trải qua 4 phần thi: Chào hỏi với chủ đề “Tự hào thiếu nhi Đại Từ”; trắc nghiệm với chủ đề “Nhà sử học nhỏ tuổi”; tài năng hùng biện, thuyết trình với chủ đề “Theo dấu lịch sử” và năng khiếu với chủ đề “Quê hương trong trái tim em”. Hội thi là hoạt động thi đua chào mừng huyện Đại Từ 100 năm hình thành và phát triển. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống, lịch sử đất nước nói chung, quê hương Đại Từ nói riêng…

Là đội giành giải Nhất trong Hội thi lần này, thầy giáo Phạm Ngọc Lưu, Hiệu trưởng Trường THCS Yên Lãng, phụ trách Đội thi số 4 (gồm 6 trường THCS), chia sẻ: Học sinh được lựa chọn tham gia đều là các em có kiến thức lịch sử vững vàng, đặc biệt là khả năng thuyết trình bằng tiếng Anh lưu loát để trình bày các phần thi. Tại Hội thi, các nhân vật, di tích lịch sử ở nơi các em sinh sống, học tập, như: Nơi thành lập cơ sở Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, ở xã La Bằng; Khu di tích lịch sử Thanh niên Việt Nam, ở xã Yên Lãng… đều được tái hiện, giới thiệu thông qua hình thức hùng biện, hát, múa…

Ngoài Hội thi  “Em yêu lịch sử quê hương”, thời điểm này, trên địa bàn huyện Đại Từ còn có Cuộc thi viết “Tìm hiểu 100 năm huyện Đại Từ hình thành và phát triển (1-8)” đang được triển khai. Chị Đồng Thị Lợi, cán bộ văn thư Trường THPT Đại Từ, cho hay: Để chuẩn bị cho Cuộc thi, tôi đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử phát triển của huyện Đại Từ trong suốt chiều dài lịch sử 100 năm cũng như sưu tầm các tư liệu, hình ảnh liên quan nhằm thể hiện bài dự thi sống động nhất có thể. Với tôi, đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, giáo dục lịch sử cho các tầng lớp cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trước đó, tôi và các thành viên trong gia đình cũng dành nhiều tâm huyết khi tham gia một số cuộc thi, như: Tìm hiểu 95 năm huyện Đại Từ hình thành và phát triển; 80 năm lịch sử Đảng bộ huyện Đại Từ; 70 năm và 75 năm truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh…

Cùng với tổ chức các cuộc thi, nhiều đơn vị cũng đã có những cách làm hiệu quả trong tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, đặc biệt là giáo dục thế hệ trẻ. Công tác tuyên truyền lịch sử truyền thống còn được các cấp ủy đảng lồng ghép vào sinh hoạt định kỳ, chuyên đề.

Mặc dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ, song, hàng năm, các cơ quan, đơn vị, các cấp chính quyền trên địa bàn huyện thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, ôn lại truyền thống lịch sử của ngành, đơn vị nhân ngày thành lập, ngày lễ lớn của đất nước; tổ chức các hoạt động về nguồn, tham quan các di tích lịch sử, cách mạng, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ… Bên cạnh đó, lịch sử đảng bộ tại 30 xã, thị trấn được biên soạn, xuất bản cũng chính là nguồn tài liệu quý báu, chính thống để thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử.

Các hình thức tuyên truyền, giáo dục lịch sử mà huyện Đại Từ đang triển khai cho thấy sự trân trọng, mong muốn lan tỏa ý thức giữ gìn truyền thống tốt đẹp của ông cha. Qua đó, khích lệ lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương Đại Từ ngày càng phát triển…