Ghi chép từ Triển lãm 100 năm Báo Người cùng khổ

03:55, 20/06/2022

Khác với những năm trước, đoạn đường Đồng Khởi quận 1, gần Quảng trường Thống Nhất của thành phố mang tên Bác tháng 6 này thật rực rỡ cờ hoa, lúc nào cũng có cả trăm người đến hoặc dừng lại tìm hiểu. Có 2 triển lãm ngoài trời với quy mô lớn đang đón khách: Triển lãm 111 năm Bác rời quê hương từ Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2022 ) và 100 năm Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc xuất bản tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) tại Pháp,  làm vũ khí đấu tranh cách mạng (1922-2022).

Và, chúng tôi hoà mình vào 2 sự kiện thiết thực, xúc động của cuốn lịch sử đất nước ấy. Riêng Triển lãm chuyên đề Nhà báo Nguyễn Ái Quốc và 100 năm Báo Người cùng khổ có được do nỗ lực của Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với các cơ quan hữu quan của thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Để có tư liệu, hiện vật phong phú và chính xác có sự giúp đỡ của các cơ quan làm công tác bảo tàng của Cộng hoà Pháp. Triển lãm giới thiệu những hình ảnh về nhà báo Nguyễn Ái Quốc và Báo Người cùng khổ. Những hình ảnh này được in và trưng bày dọc theo tuyến đường Đồng Khởi, để công chúng xem tự do.

Cách đây 100 năm, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc cùng các nhà hoạt động cách mạng quốc tế đã xuất bản tờ Le Paria (Người cùng khổ) tại Pháp, ngày 1-4-1922. Báo Người cùng khổ hoạt động trong 4 năm (1922-1926), xuất bản được 38 số với nội dung chống chủ nghĩa thực dân và kêu gọi đoàn kết các dân tộc bị áp bức.

Trong Triển lãm này, Ban Tổ chức trưng bày 29 trong số 38 số báo Người cùng khổ đã xuất bản (có tờ số 1 và số cuối cùng) được sưu tầm từ Pháp, tác phẩm Người đi tìm hình của nước của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng, tác phẩm Nguyễn Ái Quốc ở Paris của cố họa sĩ Phạm Văn Đôn…

Có thể nói, kết quả sưu tầm và nghiên cứu rất đáng mừng của Bảo tàng Báo chí Việt Nam về Báo Người cùng khổ do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và điều hành, trước khi Người sáng lập ra tờ Thanh Niên và khai mở nền báo chí cách mạng Việt Nam, sẽ giúp chúng ta từng bước hiểu thêm quãng đời hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài.

Triển lãm chuyên đề Nhà báo Nguyễn Ái Quốc và 100 năm Báo Người cùng khổ diễn ra đến ngày 25-6. Trong đó, có điểm nhấn là hình ảnh tiêu biểu về hành trình báo chí của Nguyễn Ái Quốc từ năm 1919 đến 1925, một số bài viết đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên báo L’Humanité, lời kêu gọi tham gia Hội hợp tác xuất bản Báo Người cùng khổ ngày 10-2-1922…

Từ Triển lãm, thông qua hình ảnh, người xem hiểu thêm về đoạn đầu của hành trình đi tìm đường cứu nước của Bác. Trên hành trình ấy, tại Thủ đô Paris của nước Pháp, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bắt đầu học làm báo và sử dụng báo chí làm vũ khí sắc bén để tuyên truyền, tố cáo tội ác của chế độ thực dân, xây dựng tình đoàn kết quốc tế vô sản.

Cũng từ Triển lãm, câu chuyện về Bác cùng các nhà hoạt động cách mạng quốc tế đến từ các nước thuộc địa khác của Pháp như Algeria,Tunisia, Ma rốc… thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa và xuất bản ngay tại Paris tờ báo LeParia (Người cùng khổ) ngày ấy cần chuyển tải đến giới báo chí và nhân dân. Bởi ngay thời ấy, Luật sư Mác Clanhvin Bloongcua, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp thuộc địa đã từng viết: “Nguyễn Ái Quốc đã đóng góp rất nhiều cho tờ báo… Tất cả những bài và tranh vẽ ký tên Nguyễn Ái Quốc trên tờ báo Le Paria mang một mầu sắc đặc biệt: Đó là tinh thần đấu tranh cách mạng triệt để và quyết tâm chống chủ nghĩa thực dân. Đọc, xem bài và tranh đó, người ta thấy rõ tác giả có một tinh thần tiến công rất chủ động và rất thông minh”.

Triển lãm toát lên một sự thật lớn lao, đó là: Sự ra đời của Báo Người cùng khổ đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác-LêNin vào Đông Dương và các nước thuộc địa, thức tỉnh những người bị áp bức, bóc lột và là dấu mốc quan trọng của phong trào giải phóng các dân tộc bị áp bức…

LeParia với dấu mốc 100 năm rất đáng tự hào trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam nói riêng và các nước từng là thuộc địa nói chung. Vì thế, con đường Đồng Khởi in đậm nhiều dấu ấn lịch sử của thành phố mang tên Bác tháng 6 này thật ý nghĩa. Và tôi được chứng kiến sự kiện trong niềm tự hào cùng với bao người.

TP. Hồ Chí Minh, ngày 17-6-2022