Việc Bộ Chính trị chỉ đạo tổng kết Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát (KTGS) của Đảng đến năm 2020 và ban hành Kết luận mới về Chiến lược công tác KTGS của Đảng đến năm 2030 cho thấy vai trò, vị trí của công tác KTGS ngày càng được đề cao.
Theo Kết luận của Bộ Chính trị, đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác KTGS và kỷ luật của Đảng vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ, giải pháp tích cực góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước trong tình hình mới.
Chủ động, kịp thời trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Phòng, chống tham nhũng là chức năng quan trọng của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) các cấp, được quy định cụ thể tại Quy định số 01-QĐ/TW ngày 10/5/2018 của Bộ Chính trị về trách nhiệm, thẩm quyền của UBKT trong công tác phòng, chống tham nhũng. Trên cơ sở trách nhiệm, thẩm quyền được quy định, UBKT Trung ương và UBKT các cấp đã tổ chức thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và các nhiệm vụ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy giao, với khối lượng công việc rất lớn, chất lượng, hiệu quả không ngừng được nâng lên. UBKT Trung ương và UBKT các cấp đã chủ động, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, tạo đột phá trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Nhìn từ vụ án xảy ra tại Công ty CP Công nghệ Việt Á cho thấy, một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, trong đó nhiều người đứng đầu cấp ủy, đơn vị ở nhiều cấp, ngành, địa phương đã không giữ được liêm chính, sa vào cạm bẫy của quyền lợi, suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống.
Đây là vụ án có số lượng tổ chức đảng và đảng viên liên quan tham nhũng, tiêu cực, bị kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và truy cứu trách nhiệm pháp lý nhiều nhất, với tính chất, mức độ, phạm vi, hậu quả rất nghiêm trọng. Quá trình chỉ đạo xử lý vụ án khẳng định quan điểm, quyết tâm, hành động nhất quán của Đảng, nói đi đôi với làm, đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái. Trong đó, công tác KTGS, thi hành kỷ luật đảng góp phần quan trọng như những chiến sĩ xung kích đi trước "mở đường”.
Liên quan vụ án, cơ quan chức năng đã xác định nhiều cán bộ, đảng viên là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đã vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, nhận hối lộ. Việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với các ông Nguyễn Thanh Long (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Y tế); Chu Ngọc Anh (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ); Phạm Công Tạc (nguyên Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ) được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Trước đó, Ban Chấp hành Trung ương đã họp phiên bất thường, quyết định thi hành kỷ luật khai trừ những đảng viên nêu trên ra khỏi Đảng. Quyết định thi hành kỷ luật được đưa ra sau khi xem xét đề nghị của Bộ Chính trị, căn cứ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm đã được UBKT Trung ương xem xét, kết luận; thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng. Với quyết tâm và hành động đồng bộ, khẩn trương trong xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ vi phạm, ngay sau kỷ luật về đảng có hiệu lực, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XV và phê chuẩn đề nghị cách chức Bộ trưởng Y tế nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Thanh Long.
Chiều cùng ngày, ông Chu Ngọc Anh cũng bị bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố nhiệm kỳ 2021-2026. Đó là những bản án nghiêm khắc, đúng người, đúng tội dành cho những cán bộ tự đánh mất bản thân, tay đã nhúng chàm, đồng thời là câu trả lời thỏa đáng đối với những ý nguyện và bức xúc của dư luận trước sai phạm nghiêm trọng của cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ vị trí trọng trách trong hệ thống chính trị, có tầm ảnh hưởng lớn không chỉ trong cơ quan, đơn vị, ngành, địa phương mà rộng hơn là sự nghiệp của Đảng.
Theo UBKT Trung ương, để kiểm tra làm rõ, xử lý nghiêm vi phạm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan vụ án tại Công ty Việt Á, UBKT Trung ương đã thành lập các đoàn kiểm tra dấu hiệu vi phạm tại Học viện Quân y, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Y tế và 8 Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố; chỉ đạo 14 tỉnh ủy và 63 UBKT tỉnh ủy, thành ủy thực hiện việc kiểm tra dấu hiệu vi phạm.
Quá trình xem xét, xử lý vi phạm cho thấy, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, đồng bộ, kịp thời giữa Ủy ban Kiểm tra với các cơ quan liên quan. Sự chủ động kịp thời kiểm tra dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên liên quan vụ án đã chỉ ra mức độ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, suy giảm niềm tin trong nhân dân.
Chủ động, kịp thời trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, UBKT Trung ương và UBKT các cấp đã tập trung kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Sự phối hợp giữa UBKT với các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử đã đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả công tác KTGS và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trước đây, khi có vi phạm, các cơ quan chức năng kết luận xong, thì các cơ quan khác mới vào cuộc, nhưng hiện nay làm đồng bộ, kịp thời (đang thanh tra, điều tra phát hiện tổ chức đảng, đảng viên vi phạm phải thông báo kịp thời, không chờ kết luận). Nhiều kết luận của các cơ quan công an, thanh tra, kiểm toán đã được chuyển cho UBKT Trung ương để xem xét, xử lý các tổ chức đảng và đảng viên có trách nhiệm liên quan. UBKT Trung ương chuyển hồ sơ một số vụ việc vi phạm pháp luật sang các cơ quan chức năng, xử lý theo thẩm quyền.
Kiểm tra, kết luận và xử lý nghiêm minh nhiều việc mới, việc khó
Thực tiễn công tác KTGS và kỷ luật đảng thời gian qua đã chỉ rõ sự đổi mới mạnh mẽ trong tham mưu và thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng, góp phần khẳng định trách nhiệm, quyết tâm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhiều việc mới, việc khó, việc phức tạp nhạy cảm đã được kiểm tra, kết luận và xử lý nghiêm minh.
Qua 15 kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng cho thấy UBKT Trung ương đã phối hợp hiệu quả với cấp ủy, UBKT các cấp, tập trung KTGS nhiều tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra sai phạm; giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc tồn đọng, nổi cộm, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nội dung tập trung vào những vi phạm về thực hiện nguyên tắc, quy chế, quy định của Đảng, pháp luật nhà nước trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, đất đai, tài nguyên khoáng sản; thực hiện các dự án nghiên cứu; đầu tư; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; chứng khoán và thị trường chứng khoán…
Có những việc đã xảy ra từ lâu, cũng có những việc mới, khó phức tạp đều được kiểm tra, kết luận kịp thời như ở Bình Thuận. Sai phạm tại Bình Thuận đã xảy ra qua nhiều nhiệm kỳ, liên quan nhiều cán bộ chủ chốt của tỉnh và một số cán bộ của bộ, ngành Trung ương. Qua kiểm tra, UBKT Trung ương kết luận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu KTGS, để Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất, thực hiện một số dự án; một số cán bộ, đảng viên trong đó có cả lãnh đạo chủ chốt của tỉnh bị khởi tố, bắt tạm giam.
Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương. UBKT Trung ương đã quyết định kỷ luật mức độ từ cảnh cáo đến khai trừ đối với ba cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và các sở.
Một số cán bộ của Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước đã vi phạm trong chỉ đạo thanh tra, giải quyết tố cáo và kiểm toán tại tỉnh Bình Thuận cũng bị kỷ luật nghiêm khắc. Xét đề nghị của UBKT Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020, Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021; khai trừ 6 đồng chí; khiển trách đến cách chức đối với 3 đồng chí khác đều là nguyên lãnh đạo tỉnh và sở, ngành của tỉnh.
Một số lĩnh vực mới đối với công tác KTGS của Đảng như phòng, chống buôn lậu, chứng khoán cũng đã được kiểm tra, kết luận và xử lý nghiêm minh. Tại kỳ họp thứ 15, UBKT Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật tổ chức đảng và các cá nhân vi phạm tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 với các hình thức kỷ luật từ cảnh cáo đến khai trừ ra khỏi Đảng.
Cũng tại kỳ họp này, sau khi xem xét báo cáo của Thành ủy Đà Nẵng, căn cứ quy định của Đảng, UBKT Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng do đã thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương; vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình, gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, cơ quan nhà nước. Đồng chí này đã bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng. Kết quả đó thêm minh chứng không có lĩnh vực nhạy cảm, vùng cấm hay ngoại lệ trong công tác kiểm tra của Đảng.
Theo UBKT Trung ương, ba tháng đầu năm 2022, UBKT các địa phương, đơn vị kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 297 tổ chức đảng và 921 đảng viên, UBKT Trung ương đã tổ chức 20 đoàn kiểm tra dấu hiệu vi phạm (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2021) và chỉ đạo cấp ủy và UBKT 63 tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với một số tổ chức đảng và đảng viên.
Một số UBKT kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm nhiều như: Hà Nội (30 tổ chức đảng, 78 đảng viên); Hòa Bình (10 tổ chức đảng, 40 đảng viên); Hưng Yên (10 tổ chức đảng, 50 đảng viên); Ninh Bình (25 tổ chức đảng, 76 đảng viên); Bắc Giang (8 tổ chức đảng, 30 đảng viên); Hà Giang (10 tổ chức đảng, 33 đảng viên); Thái Nguyên (48 tổ chức đảng); Đắk Lắk (53 đảng viên)... Cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 32 tổ chức đảng và 1.953 đảng viên. Ban Bí thư thi hành kỷ luật đối với 3 tổ chức đảng và 9 đảng viên. UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật 26 tổ chức đảng, 1.017 đảng viên.
UBKT Trung ương kỷ luật 5 tổ chức đảng và 21 đảng viên. Điểm đáng chú ý là, UBKT Trung ương cũng đã quyết định không kỷ luật đối với 2 trường hợp, có vi phạm đến mức phải xem xét, xử lý nhưng đồng thời có dũng khí đấu tranh với những sai phạm trong nội bộ, báo cáo kịp thời. Đây là trách nhiệm vừa xây, vừa chống của công tác kiểm tra, động viên, khuyến khích những người dám đấu tranh, nhằm giáo dục, răn đe và phòng ngừa vi phạm.
Tăng cường công tác KTGS, thi hành kỷ luật đảng góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ là một trong 5 nhóm giải pháp trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Ngành Kiểm tra Đảng.
Cùng với sự hoàn thiện, bổ sung các quy định, quy trình nhằm phát huy đầy đủ hơn nữa chức năng KTGS của Đảng, sự nỗ lực vượt bậc của những người làm công tác kiểm tra đảng tiếp tục là cơ sở, tiền đề quan trọng để ngành Kiểm tra Đảng thêm quyết tâm, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần tạo đột phá về xây dựng Đảng trong giai đoạn cách mạng mới.