L.T.S: Nhằm tập hợp, đoàn kết, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bảo vệ quyền và lợi ích của các nhà báo trên địa bàn tỉnh, ngày 15/6/1992, Hội Nhà báo tỉnh được thành lập. Hội đã trở thành ngôi nhà chung ấm áp của những người làm báo suốt 30 năm qua và trong tâm trí của các hội viên vẫn vẹn nguyên cảm xúc từ buổi đầu gian khó cho đến hôm nay.
Tự hào, gửi niềm tin
Nhà báo Nguyễn Niên
(Nguyên Phó TBT Báo Thái Nguyên, hội viên CLB Nhà báo cao tuổi)
Cứ mỗi khi nói đến Hội Nhà báo Thái Nguyên, lòng tôi lại trào lên sự tự hào và niềm tin sâu sắc. Đặc biệt, những ngày này càng thêm bồi hồi nhớ những ngày làm Chi hội trưởng và nay nghỉ hưu rồi vẫn gắn bó với Hội.
Ngày mới thành lập, Hội Nhà báo Bắc Thái (nay là Thái Nguyên) chỉ có mấy cơ quan báo chí với vỏn vẹn vài chục hội viên. Vậy mà, bây giờ Hội Nhà báo Thái Nguyên đã trưởng thành vượt bậc và đổi mới nhanh chóng, cơ sở vật chất đầy đủ, nơi làm việc khang trang, bề thế. Hội đã có gần 230 cán bộ, hội viên, sinh hoạt ở 5 liên chi hội và chi hội. Hội trưởng thành nhanh chóng nhờ sự năng động, sáng tạo, vận dụng công nghệ mới vào hoạt động chuyên môn nghiệp vụ.
Trải qua chặng đường 30 năm nỗ lực xây dựng và phát triển với nhiều thuận lợi cũng như khó khăn, thử thách, hôm nay Hội đã có được vị thế với báo chí khu vực và cả nước. Vui mừng, phấn khởi và tự hào, chúng tôi tin rằng Hội Nhà báo tỉnh sẽ còn tiến bước mạnh mẽ trong giai đoạn tới…
Trưởng thành từ Hội
Nhà báo Hoàng Thảo Nguyên
(Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Thái Nguyên)
Hơn 20 năm làm phóng viên thường trú Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại tỉnh Thái Nguyên cũng là quãng thời gian tôi tham gia sinh hoạt tại Hội Nhà báo tỉnh.
Dẫu công việc đặc thù khác với các hội viên đang công tác tại các cơ quan báo, đài của tỉnh nhưng chúng tôi cùng chung công việc của người làm báo và sinh hoạt nghề nghiệp với nhau dưới mái nhà chung - Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên. Từ mái nhà chung này, cùng với việc thường xuyên được giao lưu, học hỏi, trao đổi nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cá nhân tôi được rèn luyện, bồi dưỡng kết nạp Đảng, rồi trở thành Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại tỉnh nhà… Từ các chuyến công tác biển, đảo với vai trò là hội viên Hội Nhà báo Thái Nguyên đã giúp tôi có các tác phẩm báo chí chất lượng cao, được TTXVN ghi nhận, khen thưởng.
Có thể nói, mỗi dấu ấn trưởng thành trong công việc của một phóng viên thường trú tại địa phương như tôi đều gắn với các hoạt động của Hội Nhà báo tỉnh.
Ngôi nhà chung của những người làm báo
Đại úy, Nhà báo Phạm Thị Dịu
(Chi hội Báo Quân khu Một)
Tháng 1-2016, tôi được cấp trên phân công về nhận công tác tại Báo Quân khu Một. Hơn một năm sau, cơ quan cử tôi tham gia học tập tại lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ảnh báo chí do Hội Nhà báo tỉnh tổ chức. Đây là buổi tập huấn đầu tiên tôi được tham dự và là cơ hội quý để tôi học hỏi kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng tác nghiệp. Sau khi hoàn thành khóa học, tôi đã có thêm nhiều kiến thức, nâng cao khả năng tác nghiệp để tạo nên những bức ảnh báo chí đẹp.
Sau 7 năm làm nghề, vinh dự được trở thành nhà báo, tôi có thêm nhiều cơ hội tham gia các buổi tập huấn, các chuyến đi thực tế do Hội Nhà báo tỉnh tổ chức. Được đi nhiều, học hỏi thêm đã giúp tôi trưởng thành hơn, đồng thời có thêm nhiều kiến thức bổ ích giúp tôi mạnh dạn, tự tin hơn khi tác nghiệp cũng như gợi mở nhiều đề tài để thực hiện những tác phẩm mang dấu ấn riêng, khẳng định năng lực của bản thân.
Có thể nói, Hội Nhà báo tỉnh là chính là ngôi nhà chung ấm áp, tạo động lực, cơ hội không chỉ cho riêng tôi mà cho tất cả các hội viên được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, qua đó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Thực tế cho tôi nhiều cảm xúc
Nhà báo Ngọc Linh
(Liên chi hội Đài PT-TH tỉnh)
Năm 18 tuổi, với chút năng khiếu ít ỏi, tôi bén duyên với nghề báo và trở thành phát thanh viên của Đài PT-TH Thái Nguyên.
Khi mới vào Đài, tôi chưa có sự trải nghiệm, chưa được đào tạo bài bản qua các trường lớp chuyên nghiệp, hầu như chỉ là một phát thanh viên thụ động chờ tác phẩm để thể hiện. Song, được sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo cơ quan cùng sự dìu dắt, chỉ bảo của các anh, chị làm báo thế hệ trước, tôi đã nỗ lực học hỏi và đến nay trở thành một nhà báo, một đạo diễn chủ động, sáng tạo tìm đề tài theo định hướng cho mỗi tác phẩm của mình.
Đến nay, tôi đã gắn bó với nghề báo được hơn 20 năm và tham gia sinh hoạt tại Liên chi hội nhà báo Đài PT-TH tỉnh. Những năm qua, các cấp Hội luôn tổ chức nhiều “sân chơi” nghiệp vụ bổ ích, từ đó tạo cơ hội cho tôi cùng các đồng nghiệp được trau dồi kiến thức, rèn nghề. Các chuyến đi thực tế cơ sở do Đài PT-TH và Hội Nhà báo tỉnh tổ chức giúp chúng tôi có thêm nhiều kinh nghiệm và kỹ năng làm báo ở nhiều lĩnh vực. Thông qua các hoạt động này, chúng tôi được trải nghiệm và trải lòng mình với các nhà báo giỏi nghề, được trao đổi về nhiều vấn đề còn khúc mắc trong tác nghiệp, từ đó tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và chất lượng các tác phẩm báo chí của mình.
Luôn khuyến khích hội viên sáng tạo
Nhà báo Phạm Hồng Tâm
(Chi hội Báo Thái Nguyên)
Việc hỗ trợ các tác phẩm báo chí chất lượng cao do Hội Nhà báo tỉnh thực hiện những năm gần đây đã tạo động lực, khuyến khích các hội viên cố gắng triển khai nhiều đề tài, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, các chi hội, liên chi hội ở mỗi cơ quan cũng có vai trò rất lớn để nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí. Như ở Báo Thái Nguyên, Chi hội thường xuyên phối hợp tổ chức các buổi sinh hoạt nghiệp vụ theo chuyên đề. Hàng tháng, Ban Biên tập thực hiện bình xét và khen thưởng các tin, bài chất lượng cao, trang báo đẹp; trao thưởng cho các tác giả có tác phẩm đoạt giải cao trong các cuộc thi báo chí. Với những chuyên đề dài kỳ, vấn đề khó đều được Ban Biên tập, Ban Thư ký Chi hội và lãnh đạo phòng chuyên môn giúp đỡ, đồng hành khi xây dựng đề cương và triển khai thực hiện; bảo vệ phóng viên, hội viên khi gặp vấn đề pháp lý liên quan. Những cách làm như vậy rất cần được nhân rộng và đẩy mạnh hơn nữa…
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn mong chờ có giải báo chí cấp tỉnh để có thêm sự động viên, cổ vũ và những cơ hội cọ sát về nghề nghiệp.