Phòng, chống tham nhũng: Nâng cấp độ, thêm sức mạnh

05:17, 07/06/2022

Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các cấp, ngành. Nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn đã được phanh phui, không ít cán bộ, lãnh đạo các cấp, trong đó có cả cán bộ cấp cao bị xử lý. Hiện nay, Trung ương chủ trương nâng cấp độ và sức mạnh trong công tác PCTN, tiêu cực, bảo đảm không có "vùng cấm", không có ngoại lệ.

Mấy ngày nay, dư luận cả nước đặc biệt quan tâm và đồng tình cao với quyết định của Trung ương về thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với 2 ủy viên Trung ương là ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế vì đã “gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách Nhà nước…”. 

Các ông này bị kỷ luật vì liên quan đến những sai phạm của Công ty Việt Á trong vụ việc nâng khống giá bán kit test COVID-19. Trung ương khẳng định, ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long đã suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 và uy tín của tổ chức Đảng. Được biết, đây là vụ việc mà Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã đưa vào diện theo dõi, tập trung chỉ đạo từ đầu năm 2022.

Đây chỉ là một trong nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực liên quan đến cán bộ, đảng viên giữ các chức vụ quan trọng ở Trung ương và địa phương. Theo kết quả công tác PCTN, tiêu cực trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, trong tổng số hơn 87 nghìn đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, lãng phí... thì có tới 113 cán bộ cao cấp diện Trung ương quản lý (tăng hơn 10 lần so với nhiệm kỳ trước). 

Cùng với đó, Thanh tra Chính phủ và thanh tra chuyên ngành đã chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý gần 450 vụ, với hơn 600 đối tượng. Kiểm toán Nhà nước chuyển gần 20 vụ việc có dấu hiệu phạm tội sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định. Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đưa hơn 800 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo...

Từ thực tế thời gian qua cho thấy, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác PCTN, tiêu cực vì xem đây là trở lực lớn đối với sự nghiệp xây dựng, đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước. Bằng chứng là Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Quốc hội cũng ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN năm 2012 và Luật PCTN năm 2018. Năm 2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị đã ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Đặc biệt, trong Hiến pháp năm 2013, lần đầu tiên vấn đề PCTN được quy định cụ thể tại khoản 2, Điều 8… 

Tuy vậy, công tác PCTN ở một số địa phương, bộ, ngành chuyển biến chưa rõ rệt, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác PCTN chưa được đề cao. Việc phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế. Tham nhũng trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, biểu hiện ngày càng tinh vi; tình trạng nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp vẫn còn khá phổ biến, gây bức xúc trong xã hội. Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” vẫn còn…

Trước thực trạng trên, ngày 2/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 67-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban chỉ đạo PCTN, tiêu cực các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, Bí thư tỉnh ủy, thành ủy sẽ làm Trưởng ban chỉ đạo cấp tỉnh; Ban chỉ đạo bố trí cơ cấu 5 phó trưởng ban, trong đó trưởng ban nội chính tỉnh ủy là Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo; các ủy viên là đại diện các cơ quan, đơn vị có liên quan... Với bộ khung này, Ban chỉ đạo cấp tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn rất lớn trong PCTN, tiêu cực ở địa phương.

Như vậy có thể thấy, bộ máy PCTN, tiêu cực đã đồng nhất từ Trung ương đến địa phương, trong đó được tăng cường trách nhiệm, quyền hạn và sức mạnh đối với cơ sở. Tất cả để quyết liệt hơn trong đấu tranh PCTN, tiêu cực, nỗ lực cắt bỏ những “cành sâu mọt” của xã hội, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tại các cơ quan công quyền trong hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.