Ngày 29-6, Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đồng chủ trì tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 169/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động về tiếp tục đẩy mạnh công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021-2026. Hội nghị được kết nối với 63 điểm cầu thuộc các tỉnh, thành phố trên cả nước và 75 điểm cầu tại các cơ quan ở ngoài nước.
Tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đồng chí đại diện cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Ngoại vụ, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị và các đơn vị liên quan.
Hội nghị nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động giữa các cơ quan, tổ chức trực tiếp tham gia công tác người Việt Nam ở nước ngoài, nhận thức ý nghĩa của công tác này trong việc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, bảo đảm các cơ quan, tổ chức nắm vững chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới; tạo sự thông suốt, nhất quán trong triển khai thực hiện giữa Trung ương, địa phương, các ngành, lĩnh vực có liên quan.
Thời gian qua, công tác người Việt Nam ở nước ngoài đã triển khai nhiều biện pháp hướng tới kiều bào trẻ, lực lượng nòng cốt, những người có uy tín, sức ảnh hưởng trong cộng đồng. Cùng với đó, công tác vận động, phát huy nguồn lực của bà con kiều bào tiếp tục được chú trọng, khẳng định vai trò, tầm quan trọng của công tác người Việt Nam ở nước ngoài; thể hiện rõ tình cảm, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Cùng với đó là việc tăng cường thu hút nguồn lực của kiều bào, tạo những xung lực mới để phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, thế mạnh về kinh tế, tri thức của bà con, vai trò của kiều bào trong việc nâng cao vị thế, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong thời gian tiếp theo, công tác người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được triển khai toàn diện, mạnh mẽ hơn. Đặc biệt là việc hỗ trợ để bà con có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hòa nhập xã hội ở nước sở tại; nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân; tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc; làm tốt công tác thông tin tình hình trong nước, giúp đồng bào hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc...