Tọa đàm “Việt Nam - Đất nước nhìn từ biển” được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của công chúng đối với các vấn đề lịch sử, pháp lý về Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) nói chung và pháp luật biển, đảo Việt Nam nói riêng cũng như tuyên truyền sâu rộng về công tác bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp trên biển.
Ngày 18-6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề: “Việt Nam - Đất nước nhìn từ biển”, nhân kỷ niệm 40 năm mở ký Công ước Luật Biển 1982 và 10 năm Luật Biển Việt Nam.
Theo đó, ngày 10/12/1982 đánh dấu một sự kiện pháp lý quan trọng trong quá trình phát triển của luật pháp quốc tế, đó là sự ra đời của một văn kiện được coi như Bản Hiến pháp của biển và đại dương, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển. Sự ra đời của UNCLOS chấm dứt một thời gian dài các mâu thuẫn, căng thẳng diễn ra trên các đại dương và vùng biển trên thế giới.
Từ đó về sau, các quy định của luật biển quốc tế không chỉ bao gồm UNCLOS, mà còn xoay quanh UNCLOS. Mọi sự phát triển hay diễn giải luật biển đều phải lấy UNCLOS làm trung tâm và không được trái với các quy định của Công ước.
Tại Tọa đàm, các ý kiến nhấn mạnh, UNCLOS đề ra một khuôn khổ pháp lý toàn diện, trong đó tất cả các hoạt động ở các biển và đại dương phải được tuân thủ và tạo cơ sở quan trọng cho việc duy trì nền hòa bình và ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế biển, khai thác hợp lý và bảo tồn các nguồn tài nguyên biển và môi trường ở các vùng biển. Đồng thời thiết lập một cơ chế nhằm giải quyết tranh chấp trên nguyên tắc công bằng đối với tất cả quốc gia.
Bên cạnh đó, các diễn giả cũng đánh giá, nhìn lại những kết quả nổi bật sau 10 năm triển khai Luật Biển Việt Nam và khẳng định, đây là một nỗ lực pháp lý quan trọng của Việt Nam nhằm cụ thể hóa các quy định của UNCLOS, góp phần cải thiện khung pháp lý quốc gia liên quan đến biển và hải đảo của Việt Nam; tạo cơ sở pháp lý cơ bản trong việc sử dụng, quản lý và bảo vệ các vùng biển và các nguồn tài nguyên.