Đây là một trong những nội dung được nhấn mạnh tại Hội nghị sơ kết công tác thanh tra 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 do Thanh tra Chính phủ tổ chức sáng 7-7. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Dự tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Trong những tháng đầu năm, Thanh tra Chính phủ đã thực hiện theo đúng tinh thần nghị quyết và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh tra. Trong đó, đáng chú ý là tập trung thực hiện các cuộc thanh tra chuyên đề về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc-xin phòng, chống dịch COVID-19.
Toàn ngành đã triển khai 4.257 cuộc thanh tra hành chính và 77.770 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua đó phát hiện vi phạm hơn 25.000 tỷ đồng và 9.623ha đất. Thanh tra Chính phủ cũng tập trung đôn đốc việc rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Kết quả phát hiện số vụ tham nhũng, người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm do để xảy ra tham nhũng tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Đối với tỉnh Thái Nguyên, ngành Thanh tra đã tiến hành 231 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 2.430 cơ quan, tổ chức, cá nhân. Qua đó phát hiện và kiến nghị xử lý về kinh tế trên 10,2 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Thanh tra cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, nhất là việc còn xảy ra tình trạng chồng chéo trong hoạt động thanh, kiểm tra. Một số kế hoạch phòng, chống tham nhũng triển khai chậm; tình trạng tham nhũng vặt, nhũng nhiều, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp chưa được ngăn chặn hiệu quả…
Trên cơ sở ý kiến tham luận của các bộ, ngành, địa phương tại Hội nghị, ngành Thanh tra đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ cụ thể cho từng lĩnh vực trong những tháng cuối năm. Trong đó nhấn mạnh việc tăng cường đôn đốc thực hiện các kết luận thanh tra; tập trung cho công tác phòng, chống tham nhũng; chủ động nắm tình hình khiếu nại, tố cáo trong toàn quốc để phối hợp giải quyết, xử lý…