Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và tuyên dương đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2022

03:43, 24/07/2022

Ngày 24-7, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và UBND thành phố Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) và tuyên dương đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2022. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu.

Cùng dự có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng; Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Dự lễ còn có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; nhiều đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo một số ban, bộ ngành Trung ương và 450 đại biểu là những người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ tiêu biểu trong nhiều lĩnh vực, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là gương điển hình trong công tác, lao động, học tập, vượt khó vươn lên.

Báo cáo về công tác chăm sóc người có công với cách mạng, về các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, tri ân các gia đình thương binh, liệt sĩ toàn quốc, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, 75 năm qua, công tác chăm sóc người có công với cách mạng đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước triển khai đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Hệ thống pháp luật, chính sách về người có công từng bước được hoàn thiện; đối tượng chính sách và chế độ ưu đãi người có công với cách mạng từng bước được mở rộng.

Đến nay, đã xác nhận được hơn 9,2 triệu người có công, trong đó có 1,2 triệu liệt sĩ, hơn 139 nghìn Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 1.300 Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, gần 800 nghìn thương binh, bệnh binh và gần 320 nghìn người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, gần 111 nghìn người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, gần 1,9 triệu người có công giúp đỡ cách mạng…

Cuộc sống của các thân nhân, gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng ngày càng đầy đủ, tốt đẹp hơn. Công tác xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực.

Phong trào chăm sóc thương binh, gia đình chính sách của các địa phương, các tổ chức xã hội và nhân dân trong cả nước trở thành công việc thường xuyên của toàn xã hội; phong trào tặng nhà tình nghĩa; tặng sổ tiết kiệm; tặng vườn cây tình nghĩa; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; chăm sóc giúp đỡ con thương binh, con liệt sĩ; đi tìm đồng đội, quy tập hài cốt liệt sĩ; xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin… đã góp phần chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công ngày một tốt hơn.

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi đến các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng trong cả nước lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc.

Chủ tịch nước khẳng định, trong suốt chiều dài lịch sử "sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa", trải qua hàng nghìn năm văn hiến, dựng nước và giữ nước, nhân dân ta với tinh thần yêu nước nồng nàn, đã đoàn kết một lòng, không quản gian khổ, hy sinh, kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong các cuộc đấu tranh đó, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc, dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời. Máu đào và sự cống hiến, hy sinh cao cả của các thương binh, liệt sĩ để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do.

Chủ tịch nước nêu rõ, chiến tranh đã lùi xa, nhưng những vết thương thể chất và tinh thần vẫn còn hằn trên thân thể của những người thương binh và gia đình của những liệt sĩ. Những đau thương, mất mát do chiến tranh để lại cho chúng ta hiểu sâu sắc hơn những giá trị của hòa bình.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Lễ kỷ niệm.

Chủ tịch nước đánh giá cao nhiều tấm gương trong gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn, sản xuất, kinh doanh giỏi, phụng dưỡng cha mẹ già, nuôi dạy con, cháu trưởng thành, đồng thời tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, lan tỏa tình yêu thương, nhân ái trong xã hội.

Những tấm gương bình dị mà cao cả, tỏa sáng, nhất là trong lúc thiên tai, dịch bệnh, góp phần làm rạng rỡ, vinh danh hai tiếng Việt Nam, được bạn bè quốc tế trân trọng ghi nhận và khâm phục đất nước Việt Nam, con người Việt Nam.

Nhấn mạnh đạo lý truyền thống tốt đẹp nghìn đời của dân tộc "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây”, Chủ tịch nước nêu rõ, 75 năm qua, rất nhiều phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm, huy động được nguồn lực to lớn của nhà nước và cộng đồng nhằm thực hiện nhiều chương trình có ý nghĩa, thể hiện tình cảm, trách nhiệm, mang lại hiệu quả to lớn về chính trị - xã hội.

Công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc, nâng cao đời sống các hộ gia đình người có công với nước đã đi sâu vào tâm khảm mỗi người dân, như lẽ tự nhiên nhất, tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn xã hội. Qua đó đã khơi dậy lòng yêu nước, củng cố nền tảng đại đoàn kết dân tộc và phát huy truyền thống đạo lý của đất nước.

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành, thực hiện đồng bộ, toàn diện và đa dạng, đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện, từng bước nâng cao mức sống của người có công, thân nhân của người có công với cách mạng.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng các tổ chức, cá nhân, cộng đồng huy động từ nhiều nguồn lực, chung sức đồng lòng xây dựng, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ; bên cạnh đó đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

“Người dân Việt Nam sẽ mãi ghi nhớ, sẽ mãi tự hào về ý chí quật cường của các thế hệ cha ông đã viết nên những bản hùng ca “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, mang lại độc lập, hòa bình hôm nay”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tặng quà đại diện người có công với cách mạng, tặng hoa các Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Chủ tịch nước biểu dương các bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước đã tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sôi nổi tham gia các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", chúc mừng những kết quả, thành tích mà các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để triển khai công tác đền ơn, đáp nghĩa có chiều sâu, thực chất và hiệu quả trong thời gian tới, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ, các cấp các ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã hội và mỗi người dân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, tích cực, thường xuyên, liên tục với phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", chung tay thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, coi đó là trách nhiệm, tình cảm, vinh dự và mệnh lệnh từ trái tim.

Cùng với đó, thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công, xây dựng xã hội giàu lòng nhân ái, nhân văn, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, thể hiện sâu sắc tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta, góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Nỗ lực, chú tâm chăm lo hơn nữa các gia đình người có công cách mạng có hoàn cảnh khó khăn, người già cô đơn, không nơi nương tựa, người có công vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng, phấn đấu không để hộ người có công thuộc diện hộ nghèo.

Chủ tịch nước cũng đề nghị thường xuyên tổng kết thực tiễn, đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, nâng cao chất lượng, kịp thời khen thưởng, nhân rộng những điển hình tiên tiến trong phong trào; phát hiện, biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân người có công với cách mạng đã nêu cao phẩm chất cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, phấn đấu vươn lên trong công tác, chiến đấu, lao động và học tập, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.

Bên cạnh đó, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người có công, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan, bảo đảm quyền lợi của người có công. Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương trong thực hiện công tác người có công với cách mạng; cập nhật và lưu trữ thông tin về liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công.

Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tặng quà đại diện đại biểu người có công với cách mạng, tặng hoa các Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tư lệnh về chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân và bà Nguyễn Thị Hà Ẩn, sinh năm 1954 (tỉnh Bình Định), người hoạt động cách mạng bị tù đày, hiện là Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất Hà Ẩn đại diện các đại biểu tiêu biểu đã chia sẻ, giao lưu tại buổi lễ.

Đại úy Hoàng Thị Mai Hương, Công an thành phố Hà Nội, đại diện thế hệ trẻ phát biểu, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, tri ân các Anh hùng liệt sĩ, các vị lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng thương binh, bệnh binh, thân nhân các liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng.