Cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng, cho lý tưởng cao đẹp của Ðảng và nhân dân ta, toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một tấm gương mẫu mực về phẩm chất cao quý của người cộng sản, một sự nghiệp vẻ vang với những đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc Việt Nam.
Ðồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9/7/1912 trong một gia đình nhà nho nghèo tại Bắc Ninh. Kế thừa tinh thần hiếu học và yêu nước của cha ông ở vùng quê có bề dày văn hiến, với trí thông minh và lòng ham học, Nguyễn Văn Cừ là một học sinh xuất sắc.
Người cộng sản trẻ tuổi, kiên cường sớm trở thành nhà lãnh đạo tài năng của Đảng
Ðầu năm 1928, Nguyễn Văn Cừ tham gia tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Bị đuổi khỏi Trường Bưởi vì những hoạt động yêu nước, Nguyễn Văn Cừ nhanh chóng trở thành chiến sĩ cách mạng. Sau hai năm "vô sản hóa" theo phân công của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Nguyễn Văn Cừ trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của phong trào công nhân vùng mỏ. Ðảng Cộng sản Việt Nam thành lập, Nguyễn Văn Cừ giữ cương vị Bí thư Ðặc khu ủy Hòn Gai-Uông Bí. Ngày 15/2/1931, trên đường từ Cẩm Phả về Hòn Gai, Nguyễn Văn Cừ bị bắt. Ngày 13/5/1931, đồng chí bị kết án 20 năm tù rồi bị đày ra Côn Ðảo. Tại "địa ngục trần gian", đồng chí tranh thủ học tập lý luận và kinh nghiệm từ những đồng chí đã hoạt động lâu năm như Tôn Ðức Thắng, Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt…
Cuối năm 1936, từ Côn Ðảo trở về sau thắng lợi của Mặt trận bình dân ở Pháp, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bắt tay ngay vào việc tham gia khôi phục tổ chức đảng, lập lại Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ và Xứ ủy Liên hợp Bắc Kỳ-Bắc Trung Kỳ. Ðồng chí chỉ đạo nhiều phong trào đấu tranh công khai hoặc bán công khai của Ðảng trong thời kỳ 1936-1939. Tháng 9/1937, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương mở rộng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu là Ủy viên Trung ương Ðảng. Tháng 3/1938, theo đề nghị của đồng chí, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Ðảng quyết định thành lập Mặt trận dân chủ thống nhất Ðông Dương. Cũng tại hội nghị này, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu là Tổng Bí thư của Ðảng. Khi đó, đồng chí chưa tròn 26 tuổi.
Chủ động ứng phó sự đàn áp của chính quyền thực dân, đầu tháng 9/1939, đồng chí Nguyễn Văn Cừ triệu tập và chủ trì Hội nghị mở rộng Xứ ủy Bắc Kỳ, rút các cán bộ đang hoạt động công khai vào hoạt động bí mật. Ðồng chí đã chỉ đạo phát hành cuốn Công tác bí mật của Ðảng đến đảng bộ các cấp.
Ngày 6/11/1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng quyết định nhiều nội dung quan trọng đánh dấu sự trưởng thành về tư duy lý luận, sự trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc trong đường lối của Ðảng; khắc phục được giáo điều, tả khuynh trong thời kỳ trước; chứng tỏ sự nhạy bén và năng lực lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.
Đóng góp xuất sắc với nền báo chí cách mạng
Ðồng chí Nguyễn Văn Cừ đã chỉ đạo những hoạt động báo chí cách mạng với tầm nhìn chiến lược và tư duy sáng tạo, kịp thời bám sát cuộc đấu tranh. Ðồng chí cũng là một cây bút sắc sảo, tạo nên sức cuốn hút công chúng cho những trang báo cách mạng.
Những năm 1929-1930, tờ báo Than do Nguyễn Văn Cừ trực tiếp tổ chức đã có tác dụng lớn trong việc tuyên truyền, cổ vũ và hướng dẫn quần chúng đấu tranh ở vùng mỏ Quảng Ninh. Những năm 1937-1938, đồng chí chỉ đạo hoạt động báo chí công khai của Ðảng ở Bắc Kỳ. Ở Sài Gòn, sau ba tháng khẩn trương chuẩn bị dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và đồng chí Hà Huy Tập, ngày 22/7/1938 báo Dân chúng -tờ báo công khai của Trung ương Ðảng, ra số đầu tiên. Trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản tháng 7/1939, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đánh giá cao tờ báo này: "Dân chúng xuất bản ở Sài Gòn từ tháng 7/1938 là tờ báo đầu tiên đã bất chấp đạo luật cấm phát hành nếu không được phép trước... Dân chúng cũng là tờ báo được nhiều người đọc nhất ở Ðông Dương, vì số lượng phát hành của nó lớn hơn tất cả - mỗi số 1 vạn bản" (1).
Nêu cao tinh thần "Tự chỉ trích"
Tháng 7/1939, tác phẩm Tự chỉ trích của đồng chí Nguyễn Văn Cừ với bút danh Trí Cường được xuất bản. Ðồng chí nêu rõ: Tự chỉ trích là "để huấn luyện quần chúng và giúp đảng viên tự huấn luyện, để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Ðảng, để cho Ðảng được càng thống nhất và củng cố, để đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mạng tới thắng lợi". Sự "tự chỉ trích" phải "Công khai, mạnh dạn, thành thực, vạch những nhầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi... như thế không phải làm yếu Ðảng, mà là làm cho Ðảng được thống nhất, mạnh mẽ. Làm như thế không sợ địch nhân lợi dụng, chửi rủa vu cáo cho Ðảng, không sợ "nối giáo cho giặc". Trái lại, nếu "đóng kín cửa bảo nhau", giữ cái vỏ thống nhất mà bề trong thì hổ lốn một cục, đầy rẫy bọn hoạt đầu, đó mới chính là để cho quân thù chửi rủa; hơn nữa, đó tỏ ra không phải một đảng tiền phong cách mạng, mà là một đảng hoạt đầu cải lương". Không những phải tự chỉ trích đúng mà còn phải kịp thời, với thái độ chân tình và xây dựng. Ðó chính là "tự chỉ trích Bônsơvích"(2). Cho đến hôm nay, tinh thần "tự chỉ trích" vẫn còn nguyên giá trị trong nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Ðảng trước yêu cầu mới.
Tấm gương người cộng sản mẫu mực
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ hội tụ những phẩm chất tốt đẹp về đạo đức, trí tuệ, ý chí cách mạng. Ðồng chí nêu một tấm gương sáng về gắn bó với nhân dân, tác phong giản dị, hòa mình với quần chúng, truyền cho họ niềm tin vào tương lai thắng lợi.
Ðồng chí Nguyễn Văn Cừ luôn coi trọng thực tiễn, từ thực tiễn vận dụng lý luận để đề ra những quyết định kịp thời, đúng đắn, sáng tạo. Ðó là phẩm chất của một nhà lãnh đạo xuất chúng. Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã hoạt động cùng với đồng chí Nguyễn Văn Cừ trong những năm 1936-1939, viết: "Anh là người có quan điểm thực tiễn, luôn xuất phát từ thực tiễn để tiếp cận chân lý, tìm tòi lý luận và đề ra những chủ trương quyết sách đúng đắn, sáng tạo, không giáo điều bảo thủ"(3).
Rạng sáng 17/1/1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị bắt ở Sài Gòn. Bị chính quyền thực dân gán tội "người chịu trách nhiệm tinh thần của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ" và kết án tử hình, đồng chí tỏ rõ khí tiết bất khuất của người cộng sản. Sáu giờ sáng 26/8/1941, đồng chí Nguyễn Văn Cừ hiên ngang ngã xuống cùng nhiều đồng chí lãnh đạo khác của Ðảng tại trường bắn Ngã Ba Giồng (Bà Ðiểm, Hóc Môn, nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh)(4). Ðồng chí đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc với niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng. Chỉ 29 tuổi đời, 13 năm hoạt động cách mạng, trong đó gần hai năm là Tổng Bí thư, cuộc đời đồng chí Nguyễn Văn Cừ như một ánh sao băng, ngắn ngủi nhưng chói sáng trên bầu trời cách mạng Việt Nam ■
--------------------
(1) Hồ Chí Minh-Toàn tập-Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.182.
(2) Những đoạn trích trong tác phẩm Tự chỉ trích dẫn từ Văn kiện Ðảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 6, tr 617 - 645.
(3) Trích bài viết của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp trong sách Nguyễn Văn Cừ với cách mạng Việt Nam và quê hương Bắc Ninh-Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr 32.
(4) Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo Ðảng và Nhà nước - Nguyễn Văn Cừ Tiểu sử - Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 289; 292