Tạo mọi điều kiện thuận lợi, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bảo đảm đúng quy định của pháp luật; mối quan hệ giữa các cấp chính quyền và tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo cởi mở, chia sẻ, tạo được sự đồng thuận… Đó là những nét nổi bật trong công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo của tỉnh Thái Nguyên trong những năm qua.
Ông Hoàng Ngọc Hưng, Trưởng Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ), thông tin: Thái Nguyên hiện có 591 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có 290 đình, 111 đền, 100 miếu, 47 điện thờ tư gia và 43 cơ sở tín ngưỡng khác; trên 800 nghìn người có sinh hoạt tín ngưỡng. Trên địa bàn tỉnh có 3 tôn giáo đã được Nhà nước cho phép hoạt động là Phật giáo, Công giáo và đạo Tin lành với tổng số trên 100 chức sắc, 1.600 chức việc cùng gần 134 nghìn tín đồ, 293 cơ sở tôn giáo và địa điểm sinh hoạt tôn giáo hợp pháp. Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên luôn thực hiện quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước về công tác tôn giáo, có sự quan tâm và làm tốt công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo. Nhờ vậy, hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh diễn ra ổn định, tuân thủ các quy định của pháp luật.
Để vừa đảm bảo công tác quản lý vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định, Ban Tôn giáo đã tham mưu cho Sở Nội vụ ban hành các văn bản hướng dẫn công tác quản lý Nhà nước nói chung và quản lý đối với các hoạt động truyền bá, sinh hoạt tôn giáo, nhất là trong các dịp lễ, Tết nói riêng. Hằng năm, Ban Tôn giáo đã tổ chức nhiều cuộc làm việc tại địa bàn vùng đồng bào có đạo; thăm, gặp mặt, đối thoại với các tổ chức, chức sắc các tôn giáo để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo; kịp thời tham mưu giải quyết những vấn đề tôn giáo phát sinh nhằm bảo đảm nhu cầu của đồng bào có đạo, bảo đảm các hoạt động tôn giáo diễn ra đúng pháp luật.
Riêng trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, Ban Tôn giáo đã tham mưu, phối hợp tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng công tác tín ngưỡng, tôn giáo tại các địa phương cho gần 1 nghìn lượt người tham gia; phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức các hội nghị phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tới cán bộ, công chức làm công tác này tại các cấp và chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo, người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng trong toàn tỉnh. Sở Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương liên quan thẩm định hồ sơ, xác minh nhân thân chấp thuận cho những người dự kiến bổ nhiệm làm chức việc trong các tổ chức tôn giáo trực thuộc; tiếp nhận thông báo thuyên chuyển hoạt động tôn giáo cho các chức sắc. Hiện nay, toàn tỉnh có 57 đại biểu HĐND cấp huyện, xã là chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo.
Đồng bào Công giáo ở xóm Phúc Thành, xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên) trao đổi kinh nghiệm sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: T.L
Trước nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của các tổ chức tôn giáo và tín đồ liên quan đến đất đai, xây dựng công trình tín ngưỡng, tôn giáo, UBND tỉnh và các cấp, ngành liên quan luôn quan tâm và giải quyết kịp thời, đúng quy định. Theo đó, Sở Nội vụ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá tình hình sử dụng đất của các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, tác động của chính sách pháp luật về đất đai liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh. UBND cấp huyện cũng đã bổ sung, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất vào mục đích tôn giáo, tín ngưỡng giai đoạn 2021-2030.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 234 cơ sở tôn giáo (Phật giáo và Công giáo) đang sử dụng đất, với tổng diện tích trên 786 nghìn m2; có 189 cơ sở tôn giáo đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích trên 660 nghìn m2. Hiện nay, các cơ quan chuyên môn của tỉnh cũng đang tiến hành lấy ý kiến về việc quy hoạch đất dành cho tín ngưỡng, tôn giáo của các dự án: Khu du lịch sinh thái - văn hóa Đá Thiên (thị trấn Trại Cau, Đồng Hỷ); quy hoạch chung thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) và một số khu đô thị tại các địa phương. Từ đầu năm 2022 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành quyết định giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho giáo họ Đình Cả (Võ Nhai), giáo họ Yên Sơn (Đại Từ); nhất trí chủ trương di dời chùa Làng Ngò (Đại Từ); nhất trí chủ trương đầu tư xây dựng chùa Hang (Định Hóa).
Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật, Thái Nguyên cũng đặc biệt quan tâm đến hoạt động từ thiện, nhân đạo, an sinh xã hội của các tổ chức tôn giáo. Hằng năm, các tổ chức tôn giáo đã thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện, tặng quà cho người dân khó khăn trên địa bàn, đặc biệt trong những dịp lễ, Tết, cũng như góp sức trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Trong mọi hoạt động, các tổ chức, cá nhân tôn giáo đều thông báo đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được tạo điều kiện hoạt động hiệu quả, được nhân dân đánh giá cao. Điển hình như năm 2021, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên đã trao tặng 12 nhà tình nghĩa, 5 giường bệnh đa năng, 500 suất quà với tổng trị giá 500 triệu đồng, xây dựng 7 công trình vệ sinh cho các trường học vùng sâu, vùng xa. Ban Đại diện Tin lành Việt Nam tỉnh Thái Nguyên ủng hộ 31,97 triệu đồng và Tin lành Lời sự sống Thái Nguyên ủng hộ 35 triệu đồng cho Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh...
Có thể khẳng định, mối quan hệ giữa các tổ chức, cá nhân tín ngưỡng, tôn giáo với các cấp chính quyền luôn cởi mở, đồng thuận, chia sẻ và thống nhất. Công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo hài hòa, công bằng, đạt hiệu quả cao trong quá trình vận động quần chúng có tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện tốt các quy định của pháp luật.