Ngày 10/6 vừa qua, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) chính thức ra mắt cổng thông tin tiếp nhận phản ánh về các sai phạm về nội dung trên dịch vụ truyền hình trên internet (OTT TV) tại địa chỉ: https://abei.gov.vn/phan-anh-ott, hoặc qua đường dây nóng 0896888222.
Theo đó, người dân cũng như khán giả cả nước dù đang sinh sống ở vùng miền nào cũng đều có thể tham gia ý kiến và gửi phản ánh đến cơ quan quản lý nhà nước một cách trực tiếp nếu phát hiện thấy các nội dung trái pháp luật trên các dịch vụ OTT TV xuyên biên giới hiện diện tại Việt Nam.
Có thể thấy, đây là một trong những biện pháp nhằm triển khai đa dạng việc quản lý nội dung về dịch vụ OTT TV nói riêng và bảo đảm an toàn an ninh mạng nói chung.
Ngay khi cổng thông tin vừa ra mắt, trên các diễn đàn mạng xuất hiện nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ việc làm kịp thời này của cơ quan chức năng, đồng thời kỳ vọng với sự tham gia tích cực của cộng đồng, các sai phạm trên không gian mạng sẽ được phát hiện và ngăn chặn hiệu quả, góp phần giữ gìn môi trường mạng an toàn, lành mạnh.
Thực tế, cùng với sự phát triển như vũ bão của internet băng rộng toàn cầu, các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới hiện đã nhanh chóng trở thành xu hướng tất yếu trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tại nước ta hiện nay, bên cạnh các đơn vị cung cấp dịch vụ OTT TV trong nước, ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia "sân chơi" nhiều hứa hẹn này. Thống kê cho thấy có tới gần 80% thị phần dịch vụ truyền hình trả tiền qua ứng dụng OTT tại Việt Nam đang thuộc về các doanh nghiệp xuyên biên giới. Với nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ, khán giả trong nước có cơ hội tiếp cận nhiều loại hình giải trí phong phú, đa dạng và hấp dẫn ngay tại nhà.
Tuy nhiên sự bùng nổ của dịch vụ truyền hình xuyên biên giới đang xuất hiện nhiều vấn đề đáng lo ngại. Nội dung nhiều chương trình truyền hình phát trên mạng có tính chất khiêu dâm, kích động bạo lực, tuyên truyền mê tín dị đoan, các hành vi phản văn hóa, trái thuần phong mỹ tục, khuyến khích các hành vi vi phạm pháp luật như sử dụng ma túy, buôn bán vũ khí trái phép… gây tác động tiêu cực đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.
Không chỉ dừng lại ở đó, một số dịch vụ OTT TV đã xuất hiện những nội dung xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh đạo Ðảng, Nhà nước vi phạm chủ quyền Việt Nam hết sức nghiêm trọng. Ngay khi các nội dung xấu độc này được phát hiện, các cơ quan chức năng đã kịp thời nhắc nhở đơn vị cung cấp dịch vụ, yêu cầu chấn chỉnh, gỡ bỏ các nội dung sai phạm. Tuy nhiên quá trình cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới của không ít doanh nghiệp vẫn để sót lọt nhiều nội dung độc hại, thậm chí có dấu hiệu lách luật hết sức tinh vi, bởi vậy đòi hỏi cần có thêm những biện pháp ngăn chặn hiệu quả, triệt để hơn.
Việc huy động cộng đồng cùng phát huy vai trò, trách nhiệm cá nhân trong việc giữ gìn trong sạch môi trường mạng là rất cần thiết. Bởi chính người dân là đối tượng tiếp cận, sử dụng thường xuyên các dịch vụ OTT TV.
Những thông tin, nội dung không lành mạnh trên internet nếu không được phát hiện và ngăn chặn sớm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người dùng, tác động xấu đến chính con em họ, tiềm ẩn gây ra những hậu quả khôn lường. Nhưng nếu người dân ý thức được tầm quan trọng của mình trong việc tiếp nhận thông tin, phát hiện, phản ánh kịp thời tới cơ quan chức năng những sai phạm liên quan dịch vụ truyền hình trên mạng internet xuyên biên giới sẽ giúp việc ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung này nhanh chóng hơn trước khi bị phát tán rộng rãi trên mạng, tác động xấu đến cộng đồng. Ðó cũng là cách thiết thực để mỗi cá nhân tự bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội trước những thông tin xấu độc đang lan truyền trên internet dưới nhiều hình thức.