Mặc dù có nhiều quy chế, quy định về kỷ luật phát ngôn đối với cán bộ, đảng viên, nhưng thực tế vẫn có không ít trường hợp vi phạm. Sự tùy tiện của một số cán bộ, đảng viên trong phát ngôn đã làm sai lệch quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, là điều kiện để các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội lợi dụng xuyên tạc, chống phá. Những trường hợp này cần phải được xử lý thích đáng để giữ nghiêm kỷ luật trong Đảng.
Gần đây, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên rộ lên thông tin đồn đoán về việc Bộ Công an sẽ tiếp tục tiến hành xử lý sai phạm đối với một số cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh. Đây là những thông tin không phải do các cơ quan có thẩm quyền cung cấp, thiếu chính xác, gây tò mò, hiểu lầm và làm ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân, tổ chức. Trong đó, không loại trừ cán bộ, đảng viên phát ngôn, thông tin thiếu căn cứ tạo dư luận xấu trong xã hội.
Trước thực tế này, cơ quan Tuyên giáo các đảng bộ đã phải có văn bản chấn chỉnh, yêu cầu các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên tuyệt đối tuân thủ kỷ luật phát ngôn; cấp ủy các cấp phải chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, tăng cường việc nắm bắt thông tin dư luận, không đăng tải, chia sẻ những thông tin không chính thống. Và khi phát hiện những thông tin xấu, độc cần nghiên cứu, tổ chức đấu tranh phản bác, đồng thời báo cáo ngay cấp ủy cấp trên để có hướng xử lý.
Đây chỉ là một trong các biểu hiện vi phạm quy định về phát ngôn của cán bộ, đảng viên vì thực tế còn nhiều biểu hiện nghiêm trọng hơn mà không ít cán bộ, đảng viên mắc phải.
Trên cả nước đã từng có các trường hợp bị kiểm điểm, kỷ luật ở hình thức cao nhất là khai trừ khỏi Đảng vì đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, vi phạm kỷ luật phát ngôn, có những bài viết, bình luận, chia sẻ trái với chỉ thị, nghị quyết và những quy định của Đảng, Nhà nước.
Đặc biệt là xuất hiện tình trạng cán bộ, đảng viên “hai mặt”, khi ở cơ quan, đơn vị thì nói và làm theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng, nhưng trên mạng xã hội thì phát ngôn bừa bãi, lệch lạc, đi ngược với lợi ích của quốc gia, dân tộc, của tổ chức nơi đang công tác.
Cá biệt có một số trường hợp là cán bộ, đảng viên đã nghỉ hưu lợi dụng dân chủ, phát ngôn sai trái. Khi còn đương chức thì ít tham gia xây dựng, đóng góp cho Đảng, cho đất nước, nhưng khi nghỉ hưu thì phát ngôn tùy tiện, thiếu tính xây dựng, quy kết không có căn cứ...
Hiện nay, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ với các nhóm, hội, các diễn đàn trực tuyến… đã và đang đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với mỗi tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị về việc quản lý cán bộ, đảng viên trong phát ngôn, ứng xử mạng xã hội.
Thực tế cho thấy, thông tin trên mạng xã hội rất khó kiểm soát, kiểm chứng về tính chính xác, mức độ tin cậy. Trong khi đó, một thông tin trái chiều được đưa lên mạng sẽ gây tò mò, trở thành chủ đề “nóng” để bàn luận, chia sẻ, thậm chí sẽ trở thành vấn đề để các thế lực thù địch xuyên tạc, kích động chống phá.
Do vậy, là cán bộ, đảng viên trước hết phải nói và làm theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng, tuân thủ nghiêm các quy định về phát ngôn, ứng xử trên mạng xã hội. Cấp ủy các cấp cần thường xuyên nắm bắt dư luận, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, kịp thời chấn chỉnh các trường hợp có biểu hiện vi phạm, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên cố tình làm trái…