Từ năm 2008, Chương trình Quốc tế về phát triển truyền thông của UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc) bắt đầu công bố báo cáo cập nhật hai năm một lần về Sự an toàn của nhà báo. Báo cáo mới nhất của UNESCO năm 2021 đã phần nào chỉ ra một thực tế: người làm báo tại Việt Nam và các đồng nghiệp trên toàn thế giới luôn phải đối mặt với nhiều thách thức, hiểm nguy. Phổ biến là hiện tượng đe dọa, cản trở, tấn công phóng viên trong quá trình tác nghiệp hợp pháp tại hiện trường.
Bên cạnh đó, nạn khủng bố, bạo lực tinh thần người làm báo cũng đang diễn ra công khai, tràn lan trên không gian mạng. Người làm báo cũng chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ, bảo vệ khi hành nghề tại những môi trường phức tạp, nguy hiểm. Ngoài ra, ở một số vụ việc sự lạc hậu, thiếu thốn về trang thiết bị, đồ bảo hộ, phương tiện đi lại… cũng gián tiếp đẩy người làm báo vào những nguy cơ không đáng có.
Tại Việt Nam, quyền hành nghề hợp pháp của người làm báo được pháp luật và cả xã hội tôn trọng, bảo vệ. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để mọi nhà báo hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng nhiều nhà báo bị đe dọa, hành hung khi tác nghiệp hoặc xâm phạm quyền hành nghề hợp pháp. Dù chưa có thống kê đầy đủ về số lượng người làm báo bị đe dọa, tấn công trong và sau quá trình tác nghiệp hợp pháp, nhưng có thể hình dung được phần nào vấn đề này qua tin tức hằng ngày. Trong 6 tháng đầu năm 2022, cơ quan chức năng đã ghi nhận một số vụ việc đe dọa, hành hung phóng viên mang tính chất nghiêm trọng.
Có thể kể đến một số vụ việc nổi cộm như: Ngày 20/2, hai đối tượng đã hành hung phóng viên Nguyễn Văn Tuấn (báo Người lao động) khi anh đến huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai để tác nghiệp. Ngày 3/3, nhà riêng của phóng viên Tiến Thắng (báo Tuổi trẻ) tại thành phố Hải Phòng bị 4 đối tượng bịt mặt, mặc trang phục đen ném đầy chất bẩn. Ngày 24/5, phóng viên Thanh Quân (báo Thanh niên) bị tấn công vào mặt khi đang hành nghề tại thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Ngày 20/6, Hội Nhà báo Việt Nam nhận được báo cáo từ Báo Kinh tế đô thị về trường hợp nhà báo bị một đối tượng lạ liên tục gọi điện đe dọa, xúc phạm nhân phẩm của bản thân và người thân trong gia đình. Ngày 23/6, khi đang đưa tin tại xã Ea Pil, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk, phóng viên báo Dân sinh bị một nhóm người bất hảo ngang nhiên truy đuổi, tấn công, bất chấp sự bảo vệ của lực lượng công an địa phương.
Không chỉ vậy, tâm lý coi thường, xem nhẹ công việc của nhà báo đang có chiều hướng gia tăng, cho dù việc đọc báo, nghe đài, xem truyền hình vốn là thói quen hằng ngày của đại bộ phận nhân dân. Không khó bắt gặp trên mạng xã hội và nhiều diễn đàn xuất hiện đầy rẫy những cụm từ miệt thị nhà báo, nghề báo. Thậm chí để giải quyết tư thù, kẻ xấu không ngần ngại bỏ tiền chạy quảng cáo trên nền tảng Meta (tiền thân là Facebook), YouTube để vu khống, bôi nhọ danh dự, uy tín của một số người làm báo. Chưa dừng ở đó, các phần tử này còn tập hợp nhau lại để tham gia tấn công tài khoản mạng xã hội của các cơ quan báo chí, trang cá nhân của một số phóng viên, biên tập viên. Đáng chú ý ngày 12/6/2021, kẻ xấu đã tổ chức tấn công toàn bộ các nền tảng mạng xã hội của Báo điện tử VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam) trên Google, Facebook, tổ chức spam (gửi tin nhắn rác), đe dọa và kêu gọi đánh giá 1* (1 sao) cơ quan báo chí này trên ứng dụng Google Maps.
Cần biết rằng, một số mạng xã hội như Meta đã cho ra mắt tính năng bảo vệ nhà báo. Tuy nhiên, biện pháp bảo vệ này chỉ dành cho nhà báo đang sinh sống tại một số quốc gia như Mỹ, Mexico, Brazil. Điều này đồng nghĩa với việc đại đa số người làm báo trên toàn cầu vẫn tiếp tục phải tự đối phó trước các hành vi quấy rối, xâm hại, truy cập bất hợp pháp vào tài khoản cá nhân, fanpage mà không nhận được sự hỗ trợ, bảo vệ từ nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội.
Chính từ nguyên nhân này, một bộ phận người làm báo có thái độ tương đối dè dặt khi sử dụng tài khoản mạng xã hội của cá nhân để tương tác, chia sẻ, đăng tải, cung cấp, định hướng thông tin có ích cho xã hội và đất nước; đăng tải bình luận, ý kiến nhận xét đúng mực, có văn hóa, có trách nhiệm về những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm cho dù đây đều là những quy tắc mà người làm báo Việt Nam cần thực hiện khi tham gia mạng xã hội. Không ít cá nhân, tổ chức, cơ quan tỏ ra thiếu thiện chí, bất hợp tác, không hướng dẫn, hỗ trợ phóng viên tác nghiệp tại hiện trường. Một vấn đề đáng lưu tâm khác là đội ngũ phóng viên Việt Nam thiếu những trang bị phương tiện, thiết bị bảo hộ chuyên dụng khi làm việc tại môi trường nguy hiểm, độc hại nên có trường hợp phóng viên bị nhiễm độc, nhiễm bệnh, chấn thương,...
Những năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam cùng các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực báo chí, truyền thông đã không ít lần đề nghị, thử tìm ra giải pháp, cơ chế để bảo vệ nhà báo hoạt động đúng pháp luật, nhất là khi tham gia những nhiệm vụ khó khăn như đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây đều là những đòi hỏi chính đáng nhằm bảo vệ và phát huy quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tiếp cận thông tin đã được khẳng định trong Hiến pháp, Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin cùng các văn bản pháp luật khác. Tuy nhiên từ việc xây dựng cơ chế bảo vệ nhà báo cho đến việc hiện thực hóa các quy định vào trong đời sống không phải là điều dễ dàng.
Hiện nay, Luật Báo chí năm 2016 có quy định nghiêm cấm các hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật (khoản 12, Điều 9). Tương tự, Luật Tiếp cận thông tin cũng nghiêm cấm hành vi cản trở, đe dọa, trù dập người yêu cầu, người cung cấp thông tin (khoản 4, Điều 11). Song chế tài xử phạt với hành vi cản trở trái pháp luật báo chí chưa đủ tính răn đe.
Cụ thể, Nghị định số 159/2013/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản tại Điều 7 đưa ra mức phạt tối đa là 30 triệu đồng với các hành vi: uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên; hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên; thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên. Mức phạt tối đa với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp chỉ là 20 triệu đồng.
Như vậy, hoàn thiện và đồng bộ các quy định pháp luật về bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của người làm báo chính là giải pháp hàng đầu nhằm phòng tránh những nguy cơ, rủi ro có thể xảy đến với đội ngũ phóng viên, biên tập viên khi tác nghiệp. Thời gian qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã có nhiều động thái quyết liệt trong công tác bảo vệ hội viên. Song trước tình hình thực tế hiện nay, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí chủ quản cần liên kết để tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng tác nghiệp, sinh tồn trong tình huống khẩn cấp, thiên tai, thảm họa,… cho đội ngũ phóng viên. Song song với công tác đào tạo, cần đầu tư vào các trang, thiết bị bảo hộ chuyên dụng đáp ứng điều kiện hoạt động của phóng viên trong môi trường nguy hiểm.
Nhằm hạn chế các cuộc tấn công trực tuyến vào người làm báo, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan chức năng cần yêu cầu mỗi nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải có chính sách, cơ chế bảo vệ tài khoản mạng xã hội của cơ quan báo chí và người làm báo. Đồng thời, cần có thêm chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm dưới mọi hình thức. Ngoài ra, cần tuyên truyền, giáo dục nhân dân có nhận thức chính xác, tích cực về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của báo chí và người làm báo. Từ đây, tranh thủ sự ủng hộ của cá nhân, tổ chức đối với hoạt động tác nghiệp hợp pháp của người làm báo.
Bên cạnh đó, các nhà báo cần phải biết tự bảo vệ bản thân nếu tác nghiệp tại các “điểm nóng” phức tạp. Trong đó, các phóng viên cần trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật để nắm vững quyền, nghĩa vụ của mình cũng như giới hạn của quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tiếp cận thông tin. Bởi nhiều trường hợp, tai nạn nghề nghiệp xuất phát từ việc người làm báo thiếu hiểu biết về pháp luật cũng như sự nhanh nhạy trong nghiệp vụ.
Từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình trong nước và quốc tế có nhiều diễn biến, sự kiện phức tạp. Trước hoàn cảnh đó, người làm báo Việt Nam đã nhanh chóng thích nghi với điều kiện mới hoàn thành tốt các nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, góp phần tạo sự ổn định dư luận, đồng thuận xã hội. Tuy nhiên, ở một số địa phương, vẫn còn tình trạng nhà báo bị cản trở, gây khó dễ khi hành nghề đúng quy định của pháp luật. Tình trạng xâm hại thân thể và nhân phẩm người làm báo vẫn tồn tại trong xã hội.
Những hiện tượng xấu nêu trên không chỉ làm sút giảm niềm tin, lòng yêu nghề của người làm báo mà còn nguy cơ phá hoại quyền hành nghề hợp pháp, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin của người làm báo cũng như người dân trong xã hội. Bởi vậy, bên cạnh việc xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở, đe dọa, hành hung các nhà báo cần nhanh chóng xây dựng các giải pháp hữu hiệu bảo vệ người làm báo trước những nguy cơ, rủi ro có thể xảy đến trong quá trình tác nghiệp.