Công tác Tuyên giáo là một trong những lĩnh vực có lịch sử ra đời sớm nhất trong các hoạt động lãnh đạo của Đảng. Điều đó khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của công tác chính trị, tư tưởng trong các hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trải qua lịch sử 92 năm xây dựng và phát triển, cơ quan chuyên trách làm công tác Tuyên giáo của Đảng đã có những tên gọi khác nhau và những lần chia tách, hợp nhất cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng: Từ Ban Cổ động và Tuyên truyền (1930), Bộ Tuyên truyền (1945); Ban Tuyên truyền và Giáo dục Trung ương (1950); Ban Tuyên huấn Trung ương (1951); Ban Tuyên giáo Trung ương (1959); đến năm 1968, Ban Tuyên giáo Trung ương tách thành Ban Tuyên huấn Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương; năm 1980, Ban Văn hóa - Văn nghệ được thành lập và đến năm 1989, Ban Văn hóa - Văn nghệ Trung ương sáp nhập với Ban Tuyên huấn Trung ương thành Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; năm 2007, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương sáp nhập thành Ban Tuyên giáo Trung ương.
Tuy tên gọi, cơ cấu tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác Tuyên giáo có những thay đổi cho phù hợp với từng giai đoạn cách mạng, nhưng chức năng tham mưu chiến lược cho Đảng trên mặt trận tư tưởng, tuyên truyền, lý luận, văn hóa, khoa học, giáo dục là thống nhất và xuyên suốt. Truyền thống vẻ vang của Ngành được giữ vững và phát huy, xứng đáng với Huân chương Sao vàng cao quý và nhiều phần thưởng vinh dự khác mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng, xứng đáng với sự tin cậy của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Nhìn lại chặng đường vẻ vang đã qua, đội ngũ những người làm công tác Tuyên giáo của Đảng luôn vinh dự và tự hào trong bất cứ giai đoạn, bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đều phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Với tỉnh Thái Nguyên, công tác tuyên truyền, cổ động được hình thành và hoạt động từ rất sớm trong giai đoạn vận động cách mạng, giải phóng dân tộc. Tháng 3-1948, Ban Tuyên huấn của tỉnh Thái Nguyên được thành lập, gồm có 3 đồng chí, do đồng chí Ngô Nhị Quý, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, làm Trưởng ban. Đầu năm 1949, Ban Tuyên huấn tách ra thành Ban Tuyên truyền và Ban Huấn học; tháng 4-1951 sáp nhập thành Ban Tuyên huấn. Đến ngày 02/8/1960, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ được thành lập thay cho Ban Tuyên huấn, lúc này Ban gồm 7 đồng chí…
Trên chặng đường 86 năm kể từ khi cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh ra đời tại La Bằng (Đại Từ), công tác Tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã luôn đồng hành và có những đóng góp to lớn đối với sự phát triển về mọi mặt của địa phương. Trong từng giai đoạn lịch sử, công tác Tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng và phong trào cách mạng của quần chúng ở địa phương để định ra các hình thức tổ chức và phương thức hoạt động cho phù hợp; thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp uỷ trong lĩnh vực công tác tư tưởng của Đảng; kịp thời tuyên truyền, giáo dục đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương; đề xuất, tham gia xử lý những vấn đề bức xúc trong Nhân dân; góp phần quan trọng vào ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trong những năm gần đây, ngành Tuyên giáo Thái Nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực, không ngừng đổi mới, sáng tạo và đạt được những kết quả nổi bật. Tiêu biểu như công tác thông tin tuyên truyền được đổi mới cả về nội dung, hình thức và thực hiện gắn với hoạt động nắm bắt, điều tra dư luận xã hội nên ngày càng chủ động, có tính dự báo và định hướng. Việc triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác khoa giáo, văn hóa, văn nghệ trên địa bàn có nhiều đổi mới, phát huy hiệu quả trong hoạt động phối hợp giữa Ban Tuyên giáo với các ngành, đơn vị trong khối khoa giáo, đảm bảo triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ và công tác phòng, chống dịch COVID-19. Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ngày càng phát huy hiệu quả theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”.
Bên cạnh đó, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phát huy hiệu quả cao trong thực tiễn, xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu tổ chức thành công nhiều hoạt động lớn của Đảng bộ tỉnh: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 85 năm thành lập cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên tỉnh Thái Nguyên (1936-2021); Hội thảo khoa học “Bác Hồ về An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên - Quyết định lịch sử mở ra thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến, kiến quốc”; chỉnh lý, bổ sung tập I, tập II, xuất bản tập III cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 1936-2020.
Đặc biệt, ngành Tuyên giáo toàn tỉnh đã thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, việc ứng dụng chuyển đổi số vào lĩnh vực công tác Tuyên giáo đã phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần triển khai đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo, nhanh chóng các nhiệm vụ được giao.
Phấn khởi, tự hào truyền thống vẻ vang 92 năm ngành Tuyên giáo của Đảng, trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển của tỉnh trong tình hình mới, đội ngũ những người làm công tác Tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, tích cực, chủ động tham mưu đúng, trúng, kịp thời, với trọng tâm:
Một là, chủ động bám sát, dự báo đúng tình hình thế giới, khu vực, trong nước và trong tỉnh, thực hiện tốt chức năng định hướng chính trị, tư tưởng; kiên định những vấn đề về quan điểm có tính nguyên tắc đã được khẳng định trong Cương lĩnh, Điều lệ Đảng và các nghị quyết của Đảng, phát huy tốt chức năng là cơ quan tham mưu về chính trị, tư tưởng của Đảng.
Hai là, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, các mục tiêu, đường lối phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh; phát huy vai trò đi trước mở đường, đi cùng phát triển và đi sau tổng kết; đồng thời tham gia trực tiếp nhiều hơn nữa vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, củng cố sự đồng thuận của xã hội, niềm tin của Nhân dân đối với các chủ trương, đường lối của Đảng.
Ba là, tiếp tục triển khai tốt Đề án số 11-ĐA/TU, ngày 03/12/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; phát huy vai trò đi trước trong công tác dự báo, chủ động “mở đường” trong việc tiếp cận và xử lý thông tin, định hướng dư luận; chỉ đạo quyết liệt, đa dạng hình thức đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; bảo vệ nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII và các quy định của Đảng về nêu gương; quan tâm phát hiện những điểm mới, các điển hình tiên tiến, những cách làm hay, sáng tạo để tuyên truyền sâu rộng, làm lan tỏa trong đời sống xã hội.
Năm là, đổi mới sâu sắc, quyết liệt hơn nữa công tác tham mưu sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; định hướng chính trị, tư tưởng trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; thể hiện rõ hơn vai trò “đi sau” là tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; động viên, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, gương người tốt, việc tốt, nhân tố tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, khơi dậy ý chí khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sung túc và phát triển.
Tham mưu chỉ đạo thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, Nhân dân quan tâm theo Quyết định số 238-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương. Chủ động, tích cực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc triển khai nhiệm vụ công tác Tuyên giáo trên địa bàn tỉnh.
Kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng, nhận thức sâu sắc trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân, đặc biệt thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Công tác lãnh đạo tư tưởng là quan trọng nhất”, ngành Tuyên giáo Thái Nguyên sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội để không ngừng nâng cao toàn diện đời sống Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.