Hướng đến kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2022) và Quốc khánh 2-9, mới đây, Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức hành trình về nguồn tại ATK Định Hóa (ảnh), với nhiều hoạt động ý nghĩa.
“Thủ đô gió ngàn, chiến khu Việt Bắc” - ATK Định Hóa là địa danh ghi dấu và chứng kiến những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, nơi được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ chọn làm căn cứ địa cách mạng, kháng chiến; nơi các cơ quan Đảng, Chính phủ đóng trụ sở; nơi Bộ Chính trị họp bàn và đưa ra những quyết sách quan trọng, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giai đoạn 1946-1954; mở ra trang sử mới cho dân tộc, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở miền Bắc.
Xen lẫn giữa núi đồi trùng điệp, những bản làng của người Tày, Nùng, Sán Dìu, Dao… là những công trình lịch sử, văn hóa - những “địa chỉ đỏ” mà người dân cả nước mong muốn ghé thăm để hiểu thêm truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc.
Điểm dừng chân đầu tiên của Đoàn là Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, người dân trong vùng thường gọi là Đền thờ Bác Hồ, tọa lạc trên đỉnh đèo De, tựa lưng vào núi Hồng (xã Phú Đình, huyện Định Hóa).
Tại đây, Đoàn tổ chức dâng hương, tưởng nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan khu trưng bày hình ảnh và hiện vật, tái hiện cuộc đời và những năm tháng hoạt động cách mạng của Bác và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ tại ATK.
Cạnh đó là đồi Tỉn Keo. Nơi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị đã quyết định mở Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của dân tộc, mở ra trang sử mới.
Tiếp theo hành trình, Đoàn đến thăm Khu di tích Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tại Làng Luông, xã Bình Thành (Định Hóa). Đoàn tổ chức dâng hương tại Đài tưởng niệm, tham quan Nhà hiệu bộ, giảng đường, nhà ở học viên, nhà bếp được thiết kế trên cơ sở mô phỏng nguyên mẫu.
Những hình ảnh, hiện vật được phục dựng trong khuôn viên rộng hơn 9.000m2 gợi nhắc về thời điểm tháng 9 năm 1949, Trường tổ chức Lễ khai giảng khóa học đầu tiên, trở thành địa điểm huấn luyện cán bộ thường xuyên của Trung ương Đảng; đánh dấu bước phát triển mới mang tính bước ngoặt trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng.
Dù bận nhiều công việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, dành thời gian đến thăm và động viên cán bộ, giảng viên và học viên nơi đây. Người từng nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”, nhiệm vụ “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Nói về mục đích của việc học tập lý luận, nâng cao trình độ của cán bộ, trong cuốn Sổ vàng của Trường, Người viết: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt được mục đích thì phải: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
Cũng trong chuyến hành trình, Đoàn đến tham quan Khu di tích lịch sử Quốc gia Đại đội Thanh niên xung phong 915, Đội 91 Bắc Thái (phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên). Tại Khu di tích, Đoàn được xem bộ phim tư liệu “Khúc tráng ca về những người anh hùng đất Thép”; dâng hương tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của 60 thanh niên xung phong Đại đội 915, khi đang làm nhiệm vụ giải tỏa hàng hóa phục vụ chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, vào đúng đêm Noel năm 1972.
Đoàn tham quan không gian trưng bày với gần 350 hiện vật, tài liệu, tư liệu, tái hiện một cách chân thực, sinh động cuộc chiến đấu gian khổ và sự hy sinh anh dũng của 60 thanh niên xung phong khi tuổi đời còn rất trẻ.
Những tài liệu, hiện vật cùng những câu chuyện về cuộc đời của các chị, các anh đã để lại niềm xúc động, tiếc thương, cảm phục, tự hào đối với các thành viên trong Đoàn…
Hành trình về nguồn là hoạt động thiết thực, ý nghĩa để mỗi cán bộ, giảng viên Viện Văn hóa và Phát triển tỏ lòng thành kính, tri ân, tưởng nhớ công lao to lớn của các thế hệ đi trước đã không quản ngại gian khổ, khó khăn, sẵn sàng cống hiến, hy sinh tuổi thanh xuân để gìn giữ, bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, mang lại hòa bình, hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.
Những kiến thức thực tiễn của chuyến hành trình sẽ giúp mỗi cán bộ, giảng viên trong Viện làm sâu sắc hơn nội dung các bài giảng, vận dụng vào công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.